Wednesday, November 21, 2012

Tống Quốc Thịnh



Đức Hà

Tống Quốc Thịnh 2010
PHƯỚC HIỆP,  Củ Chi - Trong chuyến đi Nam lần này, tôi muốn ghé thăm Thịnh, cho dù từ Sài Gòn lên đó cũng khá xa, cho dù trời nắng nóng vượt chỉ tiêu - như thường lệ. Lẽ nào ngồi mười mấy tiếng máy bay thì chịu được, lẽ nào ngồi xe ôm vài tiếng đồng hồ lại ngại. Có hai lý do để tôi dứt khoát phải gặp Thịnh: thứ nhất là tôi đã có dịp làm quen với em cách nay gần hai năm trong tình trạng em không mấy khả quan. Em ít nói, hầu như không nói, không chia xẻ bệnh tình của em. Thịnh nằm bất động trên võng mắc chéo qua căn nhà bốn vách tranh khô, gió lộng thổi, tia nắng vàng chiếu thắng từ nóc xuống nền nhà xi-măng lồi lõm. Thi thoảng được mẹ ngưng may kéo đong đưa đôi chút. Dường như em nhếch môi có vẻ muốn cười cám ơn mẹ. Chị Oanh thương con – điều này chắc chắn ngàn triệu phần trăm, còn em có thương mẹ không thì khó biết được. Dạo gặp em, tôi được biết em sắp có em. Chị Đặng Hoàng Oanh cho biết chị đang mang bầu năm tháng. Chị Oanh và chồng anh Tống Văn Hiếu, thợ hồ muốn có mụn con trai khỏe mạnh nối dõi giòng họ Tống. Quả thật lúc đó tôi hơi lo vì rất có nhiều khả năng gia đình này lại có thêm một người con dị dạng.

Tống Quốc Thịnh

Thịnh là trai trưởng, năm đó em lên sáu. Suốt từ ngày sanh bé Thịnh chỉ nằm ngửa, đầu của bé to như trái dưa hấu, trán rất rộng và nhô ra phía trước, tóc thưa thớt, cặp mắt với hai hàng lông mi cong khiến ai nhìn vào không khỏi giật mình khiếp đảm cho hình thù quái dị của bé.
“Trước khi sanh tui có đi khám thai làm siêu âm, bác sĩ nói thai tốt bình thường, không có gì đáng lo,” chị Oanh kể lại.
Nhưng rồi khoảng một tháng sau khi chào đời, đầu bé bắt đầu phồng to. Ngày càng to như trái dưa hấu và mềm như miếng tàu hũ. Vợ chồng anh Hiếu hy vọng - theo lời chẩn đoán của bác sĩ, là sọ não sẽ cứng lại và thu nhỏ trở lại bình thường.
Sự thật không phải như vậy. Đầu bé không nhỏ lại mà chỉ phồng lên, rồi xẹp xuống tùy theo sức khỏe của bé. Danh từ y khoa gọi là não úng thủy (hydrocephalus.)
“Khi nào bị bệnh bỏ ăn thì cái đầu cháu xẹp xuống như bong bóng xì, rồi uống thuốc ăn trở lại thì đầu phồng to lên,” chị mô tả đứa con trai đầu lòng mà hai vợ chồng chị hết sức vui mừng khi chị mang thai, và biết là con trai.
Theo giới chức Việt Nam, Thịnh là một nạn nhân Da Cam, loại hóa chất diệt cỏ khai quang độc hại được quân đội Mỹ sử dựng trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên để chứng minh chất Da Cam gây ra dị tật bẩm sinh đòi hỏi những phương tiện khoa học tốn kém và phức tạp.

Đến thăm Thịnh lần này, tôi chỉ gặp chiếc bàn thờ nhỏ bên hông nhà. Bình hoa héo, vài cọng nhang tắt ngúm, chân đèn cầy chỉ thấy sáp đỏ thừa chảy vung vãi, và ngay giữa là tấm hình của Thịnh. Mẹ Oanh nói mới làm 49 ngày cho con cách nay vài ngày. Thật ra ngay từ con lộ chính hỏi thăm ngõ vô nhà ở sâu trong ruộng, tôi đã được nghe lối xóm cho biết “nó chết rồi.” Chị Oanh rươm rướm kể rằng vào một buổi sáng như mọi buổi sáng, chị cho con ăn cháo.
“Nó không chịu ăn. Tui thấy hơi lạ bởi nó không bị nóng sốt hay tiêu chảy.” Thông thường khi nào bịnh trong người nó mới bỏ ăn. Rồi không bao lâu sau, em tắt thở đi về cõi vĩnh hằng, nhẹ nhàng rời khỏi cõi trần mà em chịu khổ đau từ bảy năm liền, kéo theo nỗi bất hạnh cho cả nhà.
Rồi chị Oanh giới thiệu em gái của Thịnh: “Cháu Tống Anh Thư, vừa tròn hai tuổi.”
Anh Thư có nước da trắng như chị, hai mắt to đen lánh, nhưng vẻ mặt thì buồn so. Khi tôi với sang nắm tay thì em khép vào lòng mẹ, như muốn khóc. Tôi đưa em cái cookie, em cầm và đưa ngay vào miệng. Tôi không hiểu làm sao em biết đó là một loại bánh ăn được.

Tống Anh Thư

Chị Oanh và hai con 2012
Anh Thư ra đời trong hoàn cảnh chằng kém gì anh Hai Thịnh. Đầu em to, thật to, mềm nhũn. Cả gia đình anh Hiếu buồn so, lo lắng. Bác sĩ chẩn đoán nói rằng từ từ sọ não sẽ xẹp như bình thường, nói hệt như lần chẩn đoán trước khi chị Oanh đẻ bé Thịnh. Lần trước khi ghé thăm chị, tôi định nói chị nên cai đừng sanh nữa vì nếu thực sự là bị nhiễm chất Da Cam thì có thể kéo dài sang nhiều thế hệ - nghiên cứu của y khoa Mỹ cho biết. Nhưng lúc đó chị nói đang mang bầu thể nên tôi chỉ chúc chị được nhiều may mắn hơn. Và cho tới thời điểm này dường như chị đang gặp may với người con thứ ba. Sọ to bất thường của Anh Thư nhỏ dần, nhỏ dần và cứng. Cả nhà thở phào, bớt ưu lo. Tôi hỏi Thảo: “Con có thương em không?” Tống Điền Thảo trả lời “Dạ có.”

Một điều may nữa cho hộ gia đình họ Tống này là căn nhà tranh khi xưa nay đã là bốn vách gạch – thật ra chỉ xây thêm ba vách còn một bên dựa vào vách nhà ông bà nội sát bên. Bên cạnh tấm phản gỗ vẫn là nơi chị Oanh may gia công, giữa nhà có chiếc tivi nhỏ. Bước ra phia sau thấy có chiếc tủ lạnh, bên trong chỉ mấy khay nhôm làm đá còn khoan thực phẩm hoàn toàn trống trơn. Chị nói:
“Tụi em vay mượn chỗ này chỗ kia, thế chấp căn của ba để mượn ngân hàng mới được căn nhà gạch này.” Chị nói thêm là người chồng nghỉ nhà cả tháng nay mới đi làm lại. Và với món nợ lên đến cả chục triệu, tôi không hiểu, không dám hỏi làm cách nào bằng đồng lương rất khiêm nhường, họ có thể trả hết nợ. Còn phía nhà nước hứa nhiều lần nhưng theo chị Oanh, vẫn chưa hỗ trợ được đồng bạc nào.
Chỉ có điều lần này tôi nói thẳng: “Hai anh chị ráng nuôi hai cháu, và đừng sanh nữa.”
Chị gật đầu. Không vui.

Xem bài “Căn Nhà Tôn, Bốn Trái Tim Vàng” tại đây http://myoneviet.blogspot.com/2010/08/can-nha-ton-bon-trai-tim-vang.html

No comments:

Post a Comment