Bà Joanne Jackson |
“Đông là Đông và Tây là Tây, hai đàng không thể gặp nhau,”
Rudyard Kipling từng nói vậy cách nay cả gần trăm năm. Mà quả vậy không sai,
trong khi không ít (khá nhiều) chân dài ở một nước nọ bên kia Thái Bình Dương
tha hồ công khai khoe của trời cho bằng những bộ y phục thời trang cực mỏng hay
cực thoáng – lẽ dĩ nhiên chỉ sau khi đã tu sửa nâng cấp và nâng “cup,” thì tại
Mỹ chỉ có nam được ở trần, nữ phải che và chắn vòng số 1 nơi công cộng. Bởi vậy
phụ nữ Mỹ mới vùng dậy và khai sinh ra phong trào TopFreedom (Giải Phóng Vòng
1). Khoảng năm 2000 hiệp hội Topfree Equal Rights Association – viết tắt là TERA
ở Canada phát động chiến dịch đòi bình quyền nam nữ trong vấn đề ngực trần, cho
dù chính TERA không chủ trương phụ nữ phải để trần ngực mà chỉ đấu tranh để phụ
nữ không bị truy tố vì tội không mặc áo ngực nơi công cộng và cũng để thay đổi
quan điểm của công chúng về chuyện phụ nữ muốn phơi bày vòng 1. Luận cứ của
TERA đưa ra rất giản đơn: nam làm được tại sao nữ lại không! Ấy vậy mà nhiều tòa
ở Mỹ đã nhượng bộ và vào năm 2007 nhóm GoTopless.org ra đời và khẳng định phụ
nữ Mỹ có quyền hiến định để trần bộ ngực nơi công cộng, hệt như người nam.
Người ta còn nhớ cánh nữ đã phải đấu tranh dai dẳng mới được phép vạch áo cho
con bú nơi công cộng mà không mắc tội làm cho kẻ khác phải thẹn thùng.
Tuy nhiên mới đây đã xảy ra hai vụ topless gây tốn kém không
ít lời bàn ra và tán vô nóng ran với nhiều ý kiến bênh và chống rất ấn tượng.
Sở dĩ vấn đề trở nên lớn chuyện là vì hai phụ nữ có liên hệ đến vụ việc tuy
mang tiếng topless nhưng sự thật là tuy có cũng như không – tuy không mà lại
có.
FaceBook
Câu chuyện đầu tiên xảy ra dạo tháng Năm trên mạng xã hội phổ
biến FaceBook khi một phụ nữ bị ung thư vú và phải cắt bỏ cả hai bầu đã cho
chạy tấm hình của chính mình sau khi giải phẫu mastectomy. Vì cắt bỏ rồi thì
chẳng còn gì để gọi là vi phạm thuần phong khi phơi trần ngực nên bà mẹ hai con
Joanne Jackson - 40 tuổi, người Anh hãnh diện trưng tấm hình khoe một bên ngực
với dấu vết của đường dao mổ vẫn còn đậm nét. Ý của bà chỉ muốn nói bà là người
can đảm đã đánh mạnh và đánh thắng căn bệnh ung thư vú chết người. Theo bài
viết từ báo Anh, bà đã chụp hình để đánh dấu một giai đoạn nghiệt ngã trong
cuộc đời của bà. FaceBook thì nghĩ khác và đánh giá bức hình sống thực đó là
“khiêu dâm và phản cảm.” FB cho rút tấm hình đó xuống. Bà Jackson còn bị trang
FB cảnh cáo nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xóa bỏ luôn tài khoản. Quyết định
của FB khiến bà Joanne Jackson, quê ở West Yorks,
Anh quốc phẫn nộ. Bà nói rằng mấy tấm hình đó chẳng có gì là khiêu dâm hay
trắng trợn.
“Tôi không hề có ý định đó. Tôi đã thắng trong cuộc chiến
chống lại ung thư vú và không điều gì có thể ngăn cấm tôi tiếp tục cuộc sống
của tôi. Thái độ của tôi là phải vượt qua số phận. Tôi biết là tôi có thể tống
cổ nó (bệnh ung thư) đi và tôi toàn thắng.”
Bà còn nói thêm rằng bà vẫn còn nét duyên dáng của một phụ
nữ sau khi cắt bỏ hết. Thực ra bà Jackson có người bạn gái có chồng làm nghề
nhiếp ảnh thế là bà chụp lấy ngay cơ hội nhờ ông ta ghi lại bức ảnh nhớ đời và để
gởi thông điệp đến toàn thể giới phụ nữ vừa bị phát hiện bị ung thư vú rằng “đó
không phải là bản án tử hình, và sau khi giải phẫu cuộc sống vẫn còn dài.”
Bà kể rằng không biết thành viên nào trong FB đã phản ứng
nhưng chỗ bà trưng hình trong tài khoản FB đã bị kéo xuống và thay vào đó là hàng
chữ cảnh báo “Nội dung bà đưa vào trang FB đã bị gỡ bỏ vì vi phạm nội quy về
trách nhiệm và quyền của người tham gia trang mạng xã hội FaceBook.” Lời nhắn
còn thêm rằng người chủ tài khoản này nên tự chế khi quyết định cho đăng những
bức hình tương tự.
Bà Joanne Jackson gọi đó là một hình thức kiểm duyệt, không
hơn không kém và sự việc này đã được nhóm bạn của bà quyết tâm xuống đường làm
cho ra lẽ. Những bức hình bị cấm được loan truyền khắp năm châu cùng với những
bài viết nghiêng về phía bà Jackson.
Bị cấm đoán ở FaceBook, bà Jackson
mở tài khoản bên mạng xã hội Twitter và cho tái xuất hiện tất cả những tấm hình
bị cho là không phù hợp với chủ trương đường lối của FB.
May mắn cho bà Jackson
là bà không phải chữa xạ trị hay hóa trị sau khi giải phẫu và chuyển sang làm
giải phẫu tạo hình. Bà viết: “Các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ đã lấy cơ từ
bụng của tôi và đắp lên ngực. Vòng eo của tôi nay thon gọn hơn và vòng ngực đầy
đặn hơn.”
Theo
trang web http://www.breastcancer.org,
năm 2011 người ta phát hiện được thêm ở Hoa Kỳ 230,480 ca ung thu vú có khả
năng chạy khắp người (invasive) 57,650 ca ung thư chỉ nằm gọn trong bầu vú
(non-invasive) và gần 40,000 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. Trong cùng lúc thì
khoảng 2.6 triệu phụ nữ thoát hiểm và lành bệnh. Và cũng đừng quên rằng cứ
1,000 người đàn ông thì một ông bị ung thư nhũ hoa.
Seattle
Một phụ
nữ Mỹ ở Seattle, bang Washington
vừa thoát hiểm bệnh ung thư vú sau khi cắt bỏ cả hai bên có được quyền tắm hồ
tắm công cộng và để ngực trần như phái nam không là vấn đề gây nhức nhối ở
thành phố phía bắc Cali.
Câu chuyện khởi sự từ hồi tháng Hai vừa qua khi Jodi Jaecks, một vận động viên
bơi lội, muốn thử lại khả năng bơi của mình sau một thời gian dài chữa trị ung
thư vú, kể cả làm mastectomy. Về giới tính bà Jaecks vẫn là nữ nhưng về ngoại
hình thì vong số 1 của bà rất phẳng, chẳng khác nào ngực người nam, sau khi hai
bên vú bị cắt bỏ. Thế là khi đến hồ tắm Medgar Evers Pool ở trung tâm Seattle,
bà Jaecks, 47 tuổi nói với nhân viên quản lý là bà sẽ bơi topless – không có áo
ngực. Mà sự thật là như vậy, sau khi làm mastectomy năm ngoái, vòng số 1 đã
được lấy đi chỉ để lại hai vết sẹo dài trên ngực nơi trước đây là hai cái núm.
Còn gì nữa đâu để che với chắn, bà nghĩ vậy.
Bà nói
với báo The Stranger ở Seatlle rằng “cũng nên lịch sự báo trước cho giới chức
phụ trách hồ tắm biết.” Câu trả lời của hồ tắm là “không được bơi topless – cho
dù có vú hay không.”
Bài báo
cho biết cho dù giải thích cách nào quản lý hồ tắm cũng nhất quyết khẳng định
đường lối “nữ phải mặc ít ra là hai mảnh hở rốn, hoặc một mảnh che hết.” Bà
Jaecks cho hay bà không làm giải phẫu tạo hình sau khi mổ và rất khó chịu nếu
phải mặc áo bơi độn thêm ... đồ giả.
Bộ phận
quản lý và điều hành 10 hồ tắm công cộng của bên thành phố, trước sau như một
cho rắng bà Jaecks chỉ muốn gây “sốc” và có ý phản kháng:
“Rõ ràng
là bà ta muốn phơi bày vết sẹo, xem đó như dấu hiệu của lòng quả cảm và muốn
dùng hồ tắm để phát tán thông điệp.”
Nội quy
của hồ bơi công cộng ở Seattle
liệt kê rõ những điều khoản về quần áo phải mặc khi bơi lội dành cho phái nữ là
phải che kín phần trên và khoản dưới. Hồ bơi là nơi gia đình thuộc nhiều sắc
dân khác nhau đến giải trí vui chơi nên phải được cảm thấy thoải mái khi đến
bơi lội. Theo thành phố nếu bà Jaecks bơi topless sẽ tạo nên một hình ảnh thiếu
thân thiện trong không khí gia đình vẫn có từ trước đến nay.
Vấn đề
rắc rối, nhiêu khê và khó giải quyết ở chỗ nếu Jaecks là ông Jaecks thì miễn
bàn vì ngoại hình như vậy đúng là ông, nhưng khổ nỗi Jaecks lại là nữ cho nên
quy định đề ra phải như đinh đóng cột.
Trong
cùng lúc chính sách của thành phố lại khác biệt và không cấm khỏa thân, nghĩa
là rất cấp tiến. Chẳng hạn hồi mới đây Washington
lại cho phép hôn nhân đồng tính. Phòng cảnh sát Seattle cho hay những người tắm hay phơi nắng
khỏa thân, đạp xe khỏa thân nhân ngày hội Fremont Solstice Parade đều được tự
do hành xử trừ phi có hành động gây sỉ nhục.
Tin sau
cùng cho hay thành phố Seattle
chuẩn bị mời các cố vấn y tế và luật pháp để
tham khảo, duyệt xét lại và sửa đổi nội quy thiếu uyển chuyển đang được
áp dụng.
Tận Dụng
Nếu có
phụ nữ không may phải cắt bỏ vòng 1 thì (rất) nhiều người khác lại nỗ lực đi
tân trang bằng túi silicon phổ biến hay bịch nước biển. Thế nên vào ngày
12/12/12 vừa qua, một phụ nữ người Colombia bước xuống sân bay Madrid, Tây Ban
Nha với bộ ngực đồ sộ - hơi quá khổ mà không ít phụ nữ lại rất thích như vậy.
Vì kích cỡ to bất thường nên nhân viên thuế quan đâm nghi và yêu cầu phụ nữ nọ
được khám trực tiếp – thay vì chỉ qua máy dò.
Đầu tiên
sau khi người nữ 30 tuổi tháo bỏ áo ngực, người ta thấy vết mổ còn mới toanh,
sẹo chưa lành và có rỉ máu và đắp thêm lớp băng, theo bản tin mô tả. Bà giải thích là vừa trải qua một cuộc giải
phẫu nâng ngực ở Bogota.
Lời giải thích không làm các giới chức sân bay hài lòng và bà được gởi đến một
bệnh viện để chuyên viên y tế làm rõ sự việc.
Kết quả
cho biết sau khi tháo chỉ, cắt băng, người ta phát hiện ba pounds chất bột trắng
được cất dấu bên dưới hai bầu no tròn. Các bác sĩ cho hay thay vì độn túi
silicon thì băng nhóm trong đường dây ma túy độn bằng túi đựng chất cocaine. Trị
giá thị trường khoảng 150,000 đô.
Tóm tắt,
dù có hay không có, quá to hay quá nhỏ, dù khoe hay cất dấu, vòng 1 luôn nằm
trong tầm nhắm của thiên hạ.
No comments:
Post a Comment