Đức Hà
TURKU,
Finland – Helsinki, thủ đô nước Phần Lan vào những ngày
đầu thu, lá chưa chuyển vàng, vẫn cố bám chặt cành giữ sắc xanh và nai tùng lộc
đâu đó trong rừng phong (birch) đã ngơ ngác chờ lá vàng khô. Thời tiết ở đây rất
bất thường theo như người điạ phương cho biết. Nắng đó mưa đó, trời trong sáng
đó và cũng âm u ngay tức thì. Thế nhưng ngày tôi đến với Helsinki
và Turku – cố
đô của Phần Lan, thì thới tiết có khác. Nhiều người nói rằng tại có nắng ấm Cali bay về. Mà sự thực
là vậy, trời xanh xanh biếc, lác đác vài bóng mây trắng lững lờ. Sáng sớm gió
hiu hiu buốt, trần mây xám xịt rồi nắng vươn lên tỏa hơi ấm chan hòa. Rồi mây
đi, gió hạ, ánh nắng chan hòa bắt đầu sưởi ấm lòng người. Rõ ràng là:
“Ngoài kia gió mây về
ngàn,
Cỏ cây chợt lên màu nắng
Em qua công viên mắt
em ngây tròn
Lung linh nắng thủy tinh vàng
Chợt hồn buồn dâng mênh mang…”
Lung linh nắng thủy tinh vàng
Chợt hồn buồn dâng mênh mang…”
Có khác gì nắng San
Jose mà vô tình tôi mang theo. Nhưng có thể là cố tình
mang theo, vì được báo trước là tháng Chín thời tiết xứ này hầu như đầy ắp màu
xám âm u, thường xuyên mưa, và mặt trời dường như cũng ngại xuống trần. Thế là
hành trang mang theo đến Helsinki - ngoài áo lạnh áo ấm găng tay, khăn quàng,
mũ ni che tai chuẩn bị cuộc chống trả rét và mướt thì tôi cũng đã cố nhét vào
thùng quà gồm giò chả, lạp xường, cá khô, măng khô, bánh trắng mè, mắm ruốc … một
chút ánh mặt trời. Nào ai ngờ nắng ấm dư thừa ở Bắc Cali quê tôi, đã mang lại biết
bao niềm vui và hưng phấn cho có lẽ cả năm triệu rưỡi cư dân Phần Lan kể cả người
bạn vừa mới quen đã nói ngay rằng “Ở đây buồn lắm anh ơi!”
Thiên Nhiên và Sauna
Trong bữa cơm đầu tiên tại xứ lạ quê người với rau muống luộc
và măng kho tàu hũ chiên tại tổ ấm của người bạn già – vì lý do gia cảnh phải
nhận Turku (viết sao đọc vậy) làm quê hương từ bảy năm nay, tôi được sắp xếp một
lịch trình tham quan dày đặc, trong đó có hai mục phải biết, phải xem, phải thưởng
thức mới hĩểu được cá tính người Phần Lan: tình yêu thiên nhiên và thú tắm
sauna.
Thú thật món thứ nhất, tôi không mặn lắm. Bởi vì thiên nhiên
cảnh vật, theo thiển ý ở đâu có thể sánh bằng Yosemite, Grand Canyon, Santa
Barbara hay ngay cả rất gần nhà như Half Moon Bay, Santa Cruz… nhưng món thứ
hai thì thú vị, cực kì. Trời lành lạnh, đi bộ mỏi rời cẳng chân, cộng thêm với
cách biệt giờ giấc khi đêm thành ngày và ngày thành đêm thì khi bước vào phòng
xông và ngồi chừng mươi mười lăm phút, con người cũ bỗng nhiên trở thành người
mới: sản khoái và iu đời hết biết. Tuy nhiên nét chính của vụ tắm sauna công cộng
là phải “tú nuy.” Không truồng cởi coi như vi phạm đến tự ái truyền thống dân tộc
của nước chủ nhà.
Thánh Đường Lutheran - Helsinki |
Trước tiên là mua vé vào cửa (khoảng 7.50 €) bớt hai tì nếu
trên 60. Kế đó là bước vào phòng cởi và phải cởi phăng tất tật những gì trên
người. Các bạn cứ yên tâm vì chẳng ai buồn nhìn ai đâu vì hầu hết đều thuộc
giai cấp cao niên và tất cả mọi phụ tùng có trên người đều bị sức hút của trái
đất nên đều chỉ địa. Cứ như thế cả chục ông – thi thoảng cũng thấy thanh niên,
bước vào phòng tắm tập thể, xối sạch bụi thành phố trước khi vào phòng xông ướt
(steam) hay xông khô (sauna) hoặc cả hai tùy thích. Có điều khác lạ là có cả
các ông bố đưa con trai hay con gái chừng 5-10 tuổi vào tắm chung với mọi người.
Và như đã nói ở trên tất cả mọi người đều mặc bộ áo của Adam hay Eva cách nay
2012 năm. Liệu không biết tại nước Phần Lan này có quy định nào cấm những người
bỗng dưng thích khoe của quí (exhibitionist) hay người phạm tội tình dục (sex
offender) vào chốn này không. Nếu không thì đây đúng là thiên đường cho người
có chủ tâm và ý đồ thiếu trong sáng. Chưa hết, chuyện kinh hoàng và thú vị nhất
là chuyện ni: trong lúc mươi người nam đang tắm rửa kỳ cọ thì một phụ nữ tóc
vàng, nhỡ tuổi đẩy cửa bước vào cùng với xe chứa dụng cụ lau chùi. Người nữ cứ
vô tư làm công việc hàng ngày, chùi chùi rửa rửa coi như chốn không người. Thế
là lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến cảnh hoa lạc giữa rừng gươm trần
(như nhộng).
Water Closet
Người Phần Lan sử dụng chữ WC để chỉ phòng vệ sinh. Ai muốn
giải quyết bầu tâm sự thì cứ nhắm hướng chữ WC mà tiến bước. Cũng may chứ họ
dùng chữ của họ thì có Trời mà hiểu. Hầu như tất cả mọi nhà vệ sinh đều tính tiền
(0.20€), dù trong siêu thị, shopping mall, nhà hàng, quán ăn và ngay cả trong
tiệm McDonald. Thế nên khi chuẩn bị đi Châu Âu, một người bạn - vừa du lịch hè Paris về đã dặn kỹ phải
chuẩn bị sẵn nhiều đồng xu trong túi. Và một khi đã vào một trong những phòng
này thì dù đứng hay ngồi đều đồng giá như nhau. Bên cạnh cái bồn xả chất thải
luôn có thêm một vòi nước để người dùng có thể xịt đâu thì xịt. Thế rồi một hôm
đi thăm khu chợ trời tại thủ đô Helsinki, và có phần dư nước nên tôi phải tìm
chữ WC công cộng và như thường lệ móc đồng 20 xu bỏ vào khe. Cửa mở. Ung dung
bước vào. Đến khi xong thủ tục và bước ra ngoài mới đọc mấy hàng chữ viết bằng
tiếng Anh như sau: “Phía bên phải có trả tiền dành cho ai có tiền; phía bên
trái miễn phí cho ai cạn tiền. Và một khi vào rồi tối đa chỉ được ở trong đó 20
phút.” Một người Việt định cư ở đây từ hàng chục năm nay giải thích rằng mọi
người có tiền hay không có tiền cũng được phục vụ đồng đều như nhau. Tiền thu
được sẽ được sử dụng trong công tác duy trì và dọn dẹp vệ sinh.
WC công cộng ở gần tòa nhà – thường làm nơi phát giải thưởng
Nobel ở Thụy Điển lại mang sắc thái riêng. Phía bên nam vừa đủ để lọt người vào
và đứng giải quyết nước thừa thì miễn phí, phía bên cạnh dành cho mọi giới có
bàn ngồi, có giấy có nước rửa tay thì bị chạc tiền. Không biết tại sao Thụy Điển
lại phân biệt kẻ đứng, người ngồi trong nhu cầu tối cần thiết đó.
Phần Lan Gốc Việt
Qua giới thiệu và sắp xếp của người bạn già, tôi có cơ hội gặp
gỡ và trao đổi với vài người Việt trong khu Varissuo ở Turku
và cả ở Helsinki.
Mọi người đều an cư lạc nghiệp gần như hội nhập hoàn toàn với xã hội Phần Lan –
nếu cái gì hơi quá thì điều chỉnh theo phong tục tập quán Việt. Chẳng hạn như tắm
hơi thì trong gia đình tất cả người nam lớn bé tắm riêng và người nữ riêng,
không như người bản xứ mọi người trong gia đình đều vào phòng xông cùng lúc.
Tôi được gặp một người tự làm tàu hũ để ăn chay từ cả chục năm nay và có con
trai út đang học bậc tiến sĩ vật lý; một người khác có bảy con thì ba người –
hai nam một nữ, đều tu Thiên Chúa giáo, và một người đang làm phó giáo phận
Turku. Một người làm công việc lao động phổ thông đã xin nghỉ sở cả ngày để đi
tắm sauna công cộng với tôi và đến chiều còn đãi món lẩu đồ biển hương vị Thái
hết ý. Ngay khi gặp anh lần đầu sau câu chào hỏi xã giao, anh đã rót mời ly
cô-nhắc Hennessy gọi là “để cho ấm bụng.” Một người nữa lại làm nghề châm cứu.
Tôi thắc mắc ngay là tại nước này bảo hiểm y tế 100% thì ai mà đi châm cứu và
được giải thích rằng khi nào bệnh nhân hết thuốc chữa thì họ đến châm cứu. Gia
đình một đồng hương khác ở thủ đô Helsinki có điểm
đặc biệt là cả nhà nói tiếng Phần Lan trôi chảy (tiếng Phần Lan được xếp vào dạng
khó học hạng nhì sau tiếng Nhật, tiếng Korea). Trong bữa cơm chiều nhã ý mời
khách từ Cali đến, vợ chồng ông khoản đãi món canh chua cá hồi ngon ơi là ngon,
chưa kể món thịt kho Tàu với miếng thịt ba rọi béo ngậy ăn với nấm muối chua
thay cho dưa cải chua. Chi tiết rất lạ mà tôi được chứng kiến là cả nhà đều
dùng đũa và cô con dâu Phần Lan đã nhuộm tóc từ bach kim thành đen để giống với
các đầu đen trong gia đình. Chính cô là người dọn bàn, chén bát đũa và rửa sạch
úp vào sóng chén trước khi lên phòng riêng kéo đàn vĩ cầm. Cô là trưởng môn
violin tại một trường nhạc ở Helsinki.
Gặp gỡ, chuyện trò, vui đùa cùng lúc được chiêu đãi những tô
phở, bún bò Huế … với các đồng hương ở nửa vòng trái đất thật là cảm động và
chân tình. Không một ai bày tỏ sự lo âu vì đang thất nghiệp. Hệ thống an sinh
xã hội Phần Lan đảm bảo nhà ở, thực phẩm, bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người
trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy mức thuế lợi tức rất cao và thuế mua hàng lên đến
9% hoặc thuế VAT hàng mấy chục phần trăm.
Trở Lại USA
Hôm nay viết mấy dòng cuối từ Thung Lũng Hoa Vàng, tôi bỗng nhớ
đến câu nói anh bạn trẻ - hiện làm foreman trong công ty hải sản vùng Helsinki, rẳng “Ở đây buồn
lắm”. Rất tiếc tôi có thể chia sẻ chút nắng cho quí anh chị ở Phần Lan nhưng
cái buồn ở bên đó, dứt khoát không mang về. Mà có mang về Cali đi nữa cũng chẳng ai muốn dùng. Nếu có dịp
gặp anh ở San Jose
tôi sẽ nói ngay “Ở đây vui lắm anh ạ.” Nếu Cali mang tiếng tốt là nơi “đi dễ
khó về” thì Phần Lan – theo tôi là “nơi dễ đi, dể ở nhưng khó sống.”
Kiitos ja näkemiin.
No comments:
Post a Comment