Đức Hà
NỘI BÀI, Hà Nội - Không hiểu vì lý do gì, mỗi lần gặp một bạn cũ tại Sài Gòn thì trăm lần như một, chỉ nghe hai câu hỏi: “Yìa hồi nào? Chừng nào yìa bển?” Chớ có ai hỏi về làm gì, ở bao lâu, hay rủ rê vui chơi ăn nhậu. Trong khi tôi chỉ muốn người ta hỏi thời tiết có nóng quá không, ngủ được không … đại loại như vậy để tôi thở than cho bõ. Nóng thấy ông bà tổ, nóng gì mà nóng khủng, nóng điên cuồng, nóng vượt chỉ tiêu. Không tin hãy cứ thử ngồi xe ôm kẹp giữa rừng rừng xe gắn máy – từ xe có số đến xe tay ga từ 110 đến 150 cc, phun hơi nóng như thiêu như đốt thì nhiệt độ 32 độ C ngoài trời của Sài Gòn đã trở thành phòng xông hơi … không có mùi lá bạc hà. Thế là chỉ ba ngày sau khi xông đất Sài thành, cổ bắt đầu đau rát, người lừ đừ muốn sốt, đầu nhức như búa bổ, nước mủi chảy không ngớt. Cảm nắng. Thế là bèn đi giác hơi.
NỘI BÀI, Hà Nội - Không hiểu vì lý do gì, mỗi lần gặp một bạn cũ tại Sài Gòn thì trăm lần như một, chỉ nghe hai câu hỏi: “Yìa hồi nào? Chừng nào yìa bển?” Chớ có ai hỏi về làm gì, ở bao lâu, hay rủ rê vui chơi ăn nhậu. Trong khi tôi chỉ muốn người ta hỏi thời tiết có nóng quá không, ngủ được không … đại loại như vậy để tôi thở than cho bõ. Nóng thấy ông bà tổ, nóng gì mà nóng khủng, nóng điên cuồng, nóng vượt chỉ tiêu. Không tin hãy cứ thử ngồi xe ôm kẹp giữa rừng rừng xe gắn máy – từ xe có số đến xe tay ga từ 110 đến 150 cc, phun hơi nóng như thiêu như đốt thì nhiệt độ 32 độ C ngoài trời của Sài Gòn đã trở thành phòng xông hơi … không có mùi lá bạc hà. Thế là chỉ ba ngày sau khi xông đất Sài thành, cổ bắt đầu đau rát, người lừ đừ muốn sốt, đầu nhức như búa bổ, nước mủi chảy không ngớt. Cảm nắng. Thế là bèn đi giác hơi.
Ở đâu, cái gì không biết thì hỏi Gu-Gồ, ở Sài Gòn cái gì không biết cứ hỏi … xe ôm. Tôi được đưa đến một căn nhà nhỏ, thật nhỏ, chật thật chật bên trong con hẻm cạnh một ngôi chùa. Trên cái diện tích sàn nhà bé tí ti có bà cụ đang ngủ vùi, cạnh đó cậu con trai xem phim Tam Quốc Chí tập III, chỉ còn đúng mấy viên gạch vừa đủ chỗ cho tấm nệm mỏng. Tôi cởi áo nằm úp mặt xuống nệm (thấm đậm mồ hôi của nhiều bệnh nhân) để chuyên viên giác hơi vặm vỡ, lưng trần, người đầy những vết thâm do ống giác, bắt đầu quần quật trên lưng. Anh ta dùng cọng thép cột bông gòn thấm cồn và cứ thế châm lửa cho vào ống đốt dưỡng khí (và sát trùng?) rồi chụp nhanh trên lưng. Chỉ một lát sau, lưng tôi đeo một loạt ống giác thủy tinh hút phồng những mảng da và chuyển từ màu hồng, sang đỏ và bầm tím. Tôi hỏi “Có gió không anh,” và được chuyên viên (chắc chắn là không có bằng hành nghề) giải đáp như một bác sĩ y khoa 25 năm kinh nghiệm: “Anh mà để tới ngày mai là tiêu.” Tôi không hỏi tiếp “tiêu” là như thế nào có phải là “tiêu tùng hay tiêu diêu.” Nhưng sau chừng 20 – 30 phút tẩm quất, giác hơi và xoa bóp thì rõ ràng tôi cảm thấy thơ thới, mũi thông thoáng, nhẹ người hơn. Về nhà không quên bồi thêm Tylenol và Vitamin C chuẩn bị từ bên bển và đến sáng hôm sau lại cỡi xe ôm đi vùng xa, vùng trong cho công việc. Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là cái nón (mũ) bảo hộ khi sử dụng xe ôm. Lái xe luôn luôn có sẵn nón phụ để cho khách mượn và cái nón đó có thể đến … 86 triệu người đã xài qua rồi. Đội hay không tùy bạn, nhưng không đội thì xe không chạy.
Tôi đến Hà Nội vào lúc thủ đô chuẩn bị kỷ niệm 1,000 năm. Thật tình không biết nghìn năm trước Thăng Long như thế nào – cụ rùa Hồ Gươm may ra có thể biết, nhưng Hà Nội hôm nay cũng như Sài Gòn đang tiếp tục vươn cao hơn và mở rộng hơn bằng cách đập sạch, phá sạch để xây mới. Đường phố lúc nào cũng nghẹt xe, kẹt xe, không ngớt tiếng còi xe: dường như người ta không thể không bóp còi để rồi chẳng ai chịu nhường ai. Người dân địa phương quá quen với tiếng ồn xe lại nhìn Thăng Long đổi mới ở góc độ bức xúc khác, nhưng rất Hà Nội: “Sau khi đập tan được chế độ phong kiến, ta lại thay bằng chế độ phong … bì – vui vẻ cả làng và đôi bên cùng có lợi.” Tuy vậy không phải tất cả đều lấp ruộng xây nhà, đập cũ xây mới, thế nên tại một công viên trên đường Điện Biên Phủ, lãnh tụ V.I Lê Nin vẫn còn đó. Ông đứng hùng dũng tay phải vạch áo từ 2003 đến giờ. Trong di sản của ông có thư viết ngày 19 tháng Ba, 1922 gởi ông Molotov và thành viên Bộ Chính Trị, trong đó ông vạch ra một kế hoạch hành động đầy bạo lực chống lại giới tăng lữ cùng các môn đệ có ý thách thức quyền lực của nhà nước Sô-Viết. Thư có đoạn: “Chúng ta phải … cương quyết và tàn nhẫn dẹp tan mọi chống đối một cách hung bạo để họ không thể nào quên trong hàng chục năm tới. Chúng ta càng triệt hạ được bao nhiêu đại diện giới tăng lữ và giai cấp tư sản phản động thì càng tốt bấy nhiêu …” Sao lại có người ác thế hả giời!
Trong thời gian làm việc tại Việt Nam các nhà báo, các giới chức ở đây mà tôi có dịp tiếp xúc đều mong tôi có nhiều bài viết để người Mỹ (và Mỹ gốc Việt) hiểu hơn về hậu quả độc hại kéo dài của Chất Da Cam. Và có lẽ sợ người Mỹ không hiểu nên phía Việt Nam dự kiến sang năm đâm đơn kiện nữa và hiện đang chuẩn bị chứng cứ thủ tục. Cả ba lần trước kiện tại tòa New York để đòi bồi thường đều bị bác đơn, lần này Việt Nam sẽ kiện tại một bang khác. Việc ai làm thì cứ làm, nhưng phải thú thật rằng nhìn thấy hàng trăm trẻ mang đủ thứ hình thù quái dị: không mắt, không hậu môn, không chân, thiếu tay, đầu to … được cho là do tác hại của Da Cam/dioxin, người ta khó có thể không bị xúc động xót xa cho hoàn cảnh đáng thương của những con người vô tội.
Sau cùng trước khi về lại bên kia, tôi muốn nhắn lời cám ơn sâu xa đến các gia đình nghèo và quá nghèo lại phải nuôi con dị dạng, đã không ngại mời tôi về nhà, trả lời những câu hỏi nhạy cảm, rất riêng tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi để tôi có thể hoàn tất công tác tốt đẹp và thành công. Đa tạ.
No comments:
Post a Comment