Tuesday, August 24, 2010

Căn Nhà Tôn, Bốn Trái Tim Vàng



Đức Hà

PHƯỚC HIỆP, Củ Chi – Tại ấp Mũi Côn Đại, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi cách Sài Gòn khoảng hơn một giờ xe có một căn nhà nhỏ. Mái và một bên vách lợp tôn, vách kia che bằng lá dừa, phía trước, sau đều chắn bằng lá dừa khô nẹp tre. Khi mưa cả nhà là vũng lầy, mưa tạt từ trước ra sau, từ phải qua trái và phía sau tạt lên. Ấy vậy mà người ta vẫn sống, vẫn phấn đấu, ngày qua ngày bằng một niềm tin. Tôi đến thăm hộ này vào một ngày khô ráo, không mưa nhưng tin chắc nếu mưa thì cả nhà ướt đẫm nước trời. Đó là tổ ấm của Tống Văn Hiếu, 33 tuổi thợ hồ, vợ Đặng Hoàng Oanh, 26, may gia công tại nhà, con trai Tống Quốc Thịnh, 6 tuổi và con gái Tống Diệu Thảo, 3 tuổi.
Anh Hiếu quê Đồng Tháp, chị Oanh sinh trưởng và lớn lên tại Củ Chi, và cả hai đều sinh sau 1975, ấy vậy mà người con trai trưởng – không biết vì lý do gì, có thể bé bị ảnh hưởng do tác nhân Da Cam. Từ sáu năm nay bé Thịnh chỉ nằm ngửa, đầu của bé to như trái dưa hấu, trán rất rộng và nhô ra phía trước, tóc thưa thớt, cặp mắt với hai hàng lông mi cong khiến ai nhìn vào không khỏi giật mình khiếp đảm cho hình thù quái dị của bé.
“Trước khi sanh tui có đi khám thai làm siêu âm, bác sĩ nói thai tốt bình thường, không có gì đáng lo,” chị Oanh kể lại.
Nhưng rồi khoảng một tháng sau khi chào đời, đầu bé bắt đầu phồng to. Ngày càng to và mềm như miếng tàu hũ. Vợ chồng anh Hiếu hy vọng - theo lời chẩn đoán của bác sĩ, là sọ não sẽ cứng lại và thu nhỏ trở lại bình thường.
Sự thật không phải như vậy. Đầu bé không nhỏ lại mà chỉ phồng lên, rồi xẹp xuống tùy theo sức khỏe của bé.
“Khi nào bệnh bỏ ăn thì cái đầu cháu xẹp xuống như bong bóng xì, rồi uống thuốc ăn trở lại thì đầu phồng to lên,” chị mô tả đứa con trai đầu lòng mà hai vợ chồng chị hết sức vui mừng khi chị mang thai, và biết là con trai.

Hàng ngày anh Hiếu đi làm thợ hồ, bạn bè thương tình, nay cho miếng tôn lợp nhà, mai cho mấy viên gạch lót sàn. Và có người cho cả cánh cửa sắt kiên cố, thế nên tại ngôi nhà mái tôn vách lá này lại có cửa ra vào bằng sắt chắc chắn. Trong nhà ngoài chiếc máy may chạy điện, tôi còn thấy cái tivi nhỏ, nồi cơm điện cũ kỹ, dưới bếp có lò ga và vài cây đèn dầu. Ngay cửa vào là trang thờ ông Địa đóng bụi, chẳng khói nhang. Anh Hiếu đi giúp người ta xây nhà gặp đồ phế thải thì lượm về tân trang căn nhà nhỏ, và từ trước ra sau nền nhà đủ loại gạch, trong khi đó chị Oanh ở nhà may gia công làm hàng chợ cạnh chiếc võng có bé Thịnh ngủ vùi. Nếu không bận bịu con, chị Oanh có thể may liên tục và kiếm được khoảng 30 ngàn, anh Hiếu kiếm chừng 130 ngàn, tổng cộng thu nhập hàng ngày của hai vợ chồng là 160 ngàn (tương đương tám đô-la Mỹ/ngày).
“Nếu con không bịnh thì cũng tàm tạm, làm nhiêu ăn hết nhiêu,” chị Oanh nói, không có vẻ gì lo lắng cho lắm vì đồng lương ít ỏi. Dường như đã quá quen với cảnh sống đơn giản và thanh bạch, không thể nào hơn được nữa.
Cũng may còn có miếng đất do bên ngoại cho, nên cũng không phải trả tiền thuê nhà.

Dioxin Từ Đâu

Có điều lạ lùng là cả hai phía, bên nhà chồng lẫn bên vợ, không một người nào sinh con dị tật dị dạng như chị Oanh. Ngay cả người con gái thứ hai Tống Diệu Thảo cũng bình thường. Vậy thì tại sao bé Tống Quốc Thịnh lại có cái đầu to như vậy. Người mẹ không hề biết gì về hóa chất diệt cỏ có tên Da Cam, nhưng cả ba nơi tôi ghé thăm là Làng Hòa Bình trong Bệnh Viện Từ Dũ, hai cơ sở thiện nguyện tư nhân của linh mục Phan Khắc Từ đều có những em có đầu to hệt như vậy. Danh từ y khoa gọi là não úng thủy.
Chị Oanh cho biết là hồi xưa – nghe mẹ kể, Củ Chi là vùng rừng rặm không như bây giờ và là nơi có hầm địa đạo, nay trở thành khu di tích lịch sử. Có thể nói không sợ lầm là vùng này chắc chắn đã bị rải thuốc khai quang làm rụng lá phá rừng. Nhưng ai là người trong gia đình chị Oanh thật sự bị nhiễm chất độc? Người mẹ bị nhiễm rồi sinh ra chị, rồi chị lấy chồng sinh con - con bị. Hay cũng có thể là chính chị ăn nhằm cá, uống nước nhiễm hóa chất dioxin nên truyền cho con. Và dioxin từ đâu ra, từ bột khai quang nay ngấm vào đất hay từ nguồn ô nhiễm nào khác từ các nhà máy thải ra, chẳng ai rõ. Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam ước tính có ba triệu người bị ảnh hưởng bởi Chất Da Cam trong đó có 150,000 trẻ em.
“Ngó vậy chớ nó khôn lắm. Ở nhà tui bực tức nói nặng nhẹ là nó về nó méc ba nó,” người mẹ trẻ nói về con trai đầu lòng lúc nào cũng bám chặt mẹ. Khi nào mắc công chuyện đem sang gởi bên ngoại nó cũng không chịu nên chị Oanh không đi đâu xa được. Chị nói rằng hễ ra khỏi nhà thì nhớ con muốn khóc.
Hỏi chị sao không đem gởi con ở mấy trung tâm nuôi trẻ khuyết tật. Chị trả lời:
“Thương lắm, đem gởi sao được. Mà thấy tội nó quá, sợ người ta bỏ bê không ai chăm sóc.”
Vì vậy bé Thịnh được ở nhà tôn vách lá hít khí trời với mẹ cha. Đôi khi mẹ bận cho gà ăn, hay giặt giũ sau nhà thế là bé lật úp té nhào từ võng xuống nền gạch khóc òa. Mỗi lần như vậy chị lại sức dầu, xin lỗi và nựng con. Trời nóng như thiêu đốt thế mà bé ngủ gần như phủ kín mền chỉ chừa cái đầu. Ở tuổi thứ sáu bé cũng có răng, nhưng răng mọc khác người, quặp hẳn vô trong, chân tay hoàn toàn không phát triển. Bé thường xuyên bị nóng sốt và tiêu chảy. Bác sĩ cho thuốc uống, bé lại không chịu và bỏ ăn. Bây giờ thì mẹ hốt thuốc Bắc cho con. Ông thầy thuốc chưa hề nhìn thấy mặt, chưa hề bắt mạch bệnh nhân, chỉ bốc thuốc theo lời kể của mẹ mà thuốc lại có vẻ hạp. Chị nói là ông thầy tốt bụng cũng thấy tội nghiệp nên lần nào cũng bớt tiền thuốc, tiền xe.

Tuần rồi chị được trên xã mời lên nhận quà. Chị cho biết rất ngại khi phải bồng con ra ngoài vì “ai cũng nhìn, ai cũng lắc đầu rồi chăm chú như thấy quái vật” điều làm chị hết sức tủi thân. Nhưng hôm đó chị được tặng một thùng bánh và phong bì hai triệu đồng (# US $100) đủ để mua tã lót và sữa cho con trong một tháng. Chị nói:
“Ban ngày cho nó nằm võng, có ỉa đái gì thì rớt xuống sàn nhà rồi lau, ban đêm mặc tã cho nó. Một đêm cũng phải thay hai miếng tã Pampers.”
Thật là oái ăm cho một kiếp người. Một em bé (có thể) bị nhiễm dioxin Made in USA bây giờ lại dùng tã của công ty Mỹ Procter & Gamble Co. đang đầu tư làm ăn ở Việt Nam.
Có lần chị đem con lên bệnh viện lớn để giải phẫu. Sau khi chụp hình làm xét nghiệm y khoa, chị được biết não chỉ có 20 – 30%, phần còn lại là nước, cho nên không thể mổ được.
“Số mạng nó như vậy, đành chịu thôi,” chị than trách. Tôi không rõ chị trách phận làm mẹ đẻ ra con bị dị tật phải sống với đầu to suốt đời hay tự trách mình không cho chồng được đứa con trai lành mạnh. Vì chỉ có đứa con gái chơi thơ thẩn một mình, nên cả hai vợ chồng đều muốn sanh thêm đứa nữa cho Diệu Thảo có bạn. Chị đang mang bầu năm tháng. Tôi ra về không dám chúc chị được nhiều may mắn hơn trong lần sinh nở tới.

No comments:

Post a Comment