Những Điều Cần Biết
Đức Hà
Như mọi người cũng đã thấy, chuyện tranh cử chức vụ lãnh đạo
quốc gia - tức tổng thống và phó tổng thống cho bốn năm tới, đầy kịch tính và tràn
ngập những âm mưu, cáo buộc, tố giác, đánh phá kể cả những tiết lộ động trời,
không thể tin nổi từ trang web WikiLeaks. Thật hay giả, bịa đặt hay chính xác
thật khó mà lượng định được nhưng có một điều rõ ràng là truyền thông dòng
chính dành rất nhiều thời giờ trên mạng và đài, dùng mọi chiêu trên nhiều trang
báo để chỉ trích, bới móc, kết tội ứng cử viên này mà hầu như nhẹ tay với ứng
cử viên kia, nếu không nói là phớt lờ. Rõ ràng là người dân cảm thấy các
ứng cử viên như đang diễn theo một kịch bản viết sẵn. Liệu tất cả mọi chuyện
rồi ra có chấm dứt vào ngày Tám tháng 11 tới hay không, là câu hỏi chưa có trả
lời.
Người này thì bị tra tấn liên hồi về những câu nói cực kỳ
thiếu đạo đức trong phòng thay quần áo hơn 10 năm trước đây, bị cáo buộc tội sờ
soạn phụ nữ bất hợp pháp, nhưng chưa thấy ai đâm đơn kiện cáo hay đòi bồi
thường thiệt hại về danh dự ngoài mấy giọt nước mắt trước ống kính tivi. Còn người
kia gian dối ngay cả trong lời khai hữu thệ vẫn bình chân như vại. Lẽ nào một
thường dân chỉ cần vi phạm một lỗi nhỏ đã có thể bị truy tố ra trước pháp luật
và phải trả giá cho sai sót đó bằng án tù trong khi một người có thế lực chính
trị, có của cải, có hậu thuẫn lại không hề hấn gì? Câu hỏi này cũng chưa có câu
trả lời.
Điều hết sức khác biệt trong năm nay là từ xưa đến nay cứ
tuần tự hết Dân Chủ lãnh đạo thì đến Cộng Hòa cầm quyền hay ngược lại dựa trên
ý niệm của phần đông cho rằng đã chán ngán sau tám năm dưới đảng A hay đảng B
và muốn có sự đổi thay: năm nay rất có khả năng chủ trương này bị phá vỡ. Trong
quá khứ Tổng Thống thứ 15 James Buchanan lên thay Tổng Thống Franklin Pierce cả
hai đều thuộc Dân Chủ và Tổng Thống thứ 8 ông Martin Van Buren lên thay ông
Andrew Jackson cũng cùng đảng Dân Chủ. Vậy thì bà Hillary Clinton với khẩu hiệu
"Stronger Together"
có khả năng nối tiếp đường lối Dân Chủ của đương kim Tổng Thống Obama thêm bốn
hay tám năm nữa hay không - còn phải đợi và xem.
Bầu Cho Ai
Cho đến giờ này cử tri gốc Việt đã nhận được phiếu bầu bằng
thư. Có người cũng đã gởi đi rồi. Người khác chờ đến đúng ngày Tám tháng tới để
đến phòng phiếu. Vì tổng thống và phó tổng thống do phiếu cử tri đoàn -
Electoral College quyết định mà Cali có 55 phiếu, nên cử tri Việt dù gạch nối mũi tên đen trong phiếu bầu có chấm
Cộng Hòa hay Dân Chủ cũng không thể lay chuyển quyết định của 55 lá phiếu của
cử tri đoàn trung thành với Dân Chủ. Cali xưa nay vẫn là thành trì vũng chắc của
Dân Chủ. Kết quả bầu cử sơ bộ ngày Bẩy tháng Sáu cho thấy bà Clinton đạt
1,940,580 phiếu và ông Trump được 1,174,829.
Tại các bang lưng chừng, nơi mà cả Cộng Hòa và Dân Chủ đều
có tầm ảnh hưởng ngang nhau như Ohio, Florida ... sẽ là nơi có quyết định sau
cùng khi chuyển màu sang toàn xanh hay toàn đỏ vào ngày Tổng Tuyển Cử. Bởi vậy
hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đều dồn nỗ lực để thuyết phục
cử tri những bang này. Liệu điều đó có làm thay đổi được cục diện hay không thì
không ai tiên đoán được ngoại trừ mấy tờ báo được cho là thiên lệch. Chỉ xin
nhắc lại chuyện bầu bán năm 1980: theo thăm dò trước bầu cử thì ứng viên Ronald
Reagan bị đương kim Tổng Thống Jimmy Carter vượt xa - coi như nắm chắc thất bại
trong tay; thế nhưng kết quả sau cùng cho thấy ông Reagan thắng lớn với 489
phiếu và trở thành Tổng Thống thứ 40 của Hoa Kỳ. Ông Reagan thắng không chỉ
bằng phiếu của Cử Tri Đoàn mà cả phiếu phổ thông 43,903,230 so 35,480,115 của
ông Carter. Nói như thế để thấy các thăm dò trước bầu cử - báo này nói thế này,
báo kia nói thế khác, trở thành khó tin. Thăm dò mùa bầu bán năm nay lại càng
khó nhai hơn bao giờ. Không ít người theo dõi mấy cuộc tranh luận vừa rồi đã
khẳng định ứng viên này hay hơn ứng viên kia - nhưng thăm dò dư luận hầu như
tất cả lại cho kết quả ngược lại. Có thể người dân thường nghe bùi tai nhưng
chưa đủ trình độ để đánh giá toàn bộ và sâu sắc về phong cách, lời lẽ, thái độ,
biện luận của từng ứng viên chăng?
Tóm lại toàn nước Mỹ có 538 phiếu của Cử Tri Đoàn và ứng
viên thắng cử phải hội đủ 270 phiếu. Nói một cách giản đơn là nếu đêm bầu cử,
phòng phiếu đóng vào tám giờ tối giờ miền Đông mà các bang miền Đông chuyển màu
xanh hết hay đỏ hết thì kết quả chung cuộc sẽ đúng như vậy. Sở dĩ cử tri ở Mỹ
không bầu trực tiếp tổng thống và phó tổng thống bởi vì từ thủa xa xưa khi khái
niệm dân chủ vẫn còn lờ mờ, người ta không tin rằng người dân thường có đủ sáng
suốt để chọn lựa hai chức vụ lãnh đạo cao cấp và quan trọng của đất nước nên những
người soạn thảo Hiến Pháp mới quyết định chia quyền bầu chọn cho Cử Tri Đoàn và
người dân thường.
Lá Phiếu Để Làm Gì
Nói rằng Cử Tri Đoàn sẽ có tiếng nói sau cùng về hai lãnh
đạo nước Mỹ sắp tới đây, vậy thì gạch đen chọn người trong phiếu bầu để làm gì?
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày Bốn tháng 11 năm 2008 liên
danh Barack Obama – Joe Biden thắng vượt trội với 365 phiếu của Cử Tri Đoàn và 69,498,516 phiếu phổ thông trong khi liên
danh John McCain – Sarah Palin chỉ đạt 173 phiếu Cử Tri Đoàn và 59,948,323
phiếu phổ thông. Như vậy mỗi gạch đen dành cho ứng viên nào đó được tính là một
phiếu. Thống kê cho biết số 69.5 triệu phiếu dành cho ông Obama là con số bầu
chọn lớn nhứt cho một ứng viên tổng thống. Thêm vào đó với tổng số 133 triệu
người Mỹ đi bầu (43% dân số Mỹ) thì cũng là kỷ lục trong các cuộc bầu cử tổng
thống ở Mỹ. Năm nay người ta tin rằng số người Mỹ dắt díu nhau đi bầu sẽ phá kỷ
lục chưa từng có. Một mặt có thể là lần đầu tiên nước Mỹ có một phụ nữ từng là
Đệ Nhất Phu Nhân ra tranh cử, mặt khác cũng có thể là Nước Mỹ đang cần một
người bạo miệng, gặp đâu nói đó, toạc móng heo, thẳng ruột ngựa chẳng nể nang
ai để đưa nước Mỹ "Great Again."
Năm 2000 liên danh
Al Gore – Joe Lieberman đạt 50,999,897 phiếu phổ thông nhiều hơn liên danh
George W. Bush – Dick Cheney nhưng lại thua phiếu Cử Tri Đoàn (271-266) nên
đành chấp nhận thất bại.
Điều cần biết ở đây
là cho dù cử tri đăng ký với Dân Chủ hay Cộng Hòa thì khi bầu chọn vẫn có thể
đề cử người của đảng khác mà mình nghĩ rằng xứng đáng hơn. Chẳng hạn báo Arizona Republic
xưa nay vẫn một mực hậu thuẫn cho người của Cộng Hòa, năm nay lại đổi tông ủng
hộ ứng viên Dân Chủ. Cựu Thống Đốc Cali Arnold Schwarzenegger thuộc đảng Cộng
Hòa cho hay sẽ không bầu cho ông Trump nhưng không nói có chọn bà Clinton hay không. Cựu Ngoại Trưởng Colin Powell thuộc đảng Cộng Hòa, trước đây đã chọn ông Obama và nay cho biết sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton.
Tiếng Nói Của Cử Tri
California như tất
cả 50 tiểu bang có hai diện tại Thượng Viện Hoa Kỳ. Bà Loretta L. Sanchez, hiện
là Dân Biểu tại Hạ Viện Mỹ và bà Kamala D. Harris sẽ tranh ghế thượng nghị sĩ vào
kỳ bầu cử tháng 11 tới. Cả hai đều thuộc đảng Dân Chủ, vậy chọn ai bây giờ? Câu
trả lời là cử tri sẽ quyết định ai được ai thua.
Một nhân vật thường
gần gũi với cộng đồng Việt là Dân Biểu Liên Bang Mike Honda thuộc Congressional
District 17. Kỳ này ông phải tranh tài với ông Ro Khana. Trong lần bầu cử sơ bộ
hồi tháng Sáu, ông Khana đạt 39.1% phiếu bầu nhiều hơn ông Honda (37.4%.) Nhưng
nếu vào kỳ Tổng Tuyển Cử tháng 11 tới mà cử tri lại đổi ý chọn ông Honda - tức
nhiều phiếu hơn, thì ông Honda lại tiếp tục đại diện cho District 17 tại Hạ
Viện Hoa Kỳ - bao gồm các thành phố Sunnyvale, Cupertino, Santa
Clara, Fremont, và Milpitas.
Trong cùng lúc tại California
Assembly District 27 bao gồm vùng San Jose, cử tri sẽ phải chọn giữa hai ứng
viên Madison Nguyễn và Ash Kalra. Mỗi gạch đen nối liền mũi tên trên phiếu dành
cho một trong hai ứng viên sẽ là một tiếng nói đưa ứng viên đó gần hơn với
chiếc ghế tại Nghị Viện Cali ở Sacramento .
Cũng thế tại thành phố Milpitas ,
hiện có năm người tranh chức vụ Thị Trưởng thay ông Jose Estevez mãn nhiệm.
Người đạt nhiều gạch đen nhứt sẽ là người thắng cử.
Lá phiếu của cử tri có giá trị then chốt trong sự lựa chọn
người lãnh đạo. Bởi vậy cử tri phải bầu đông và cử xứng đúng tinh thần "Your
Vote Counts" hay nói như người Việt là "Mỗi lá phiếu là một viên gạch
xây nền dân chủ."
Dù ai thắng ai thua, nước Mỹ vẫn là lãnh đạo thế giới. Nước
Mỹ có chuyển trục từ Trung Đông sang Đông Nam Á, ISIS có bị tiêu diệt, chiến
tranh Syria có chấm dứt, bức tường ngăn di dân Mễ nhập lậu có thành hình ...
hay vẫn nối tiếp chính sách mềm mỏng nhân nhượng của vị tổng thống sắp mãn
nhiệm thì quyền lợi của Hoa Kỳ vẫn là ưu tiên một. Chỉ có điều không ít người
sẽ buồn lòng vì ý dân không được toại nguyện - hay nói khác hơn ý dân không
đúng ý Trời. Mình tưởng đã sáng suốt cử xứng mà rồi kết quả lại không như ý
muốn. Nền dân chủ của Mỹ từ bao đời nay là như vậy. Người có thái độ hoài nghi
sẽ không ngần ngại phát biểu rằng tưởng vậy mà không phải vậy.
No comments:
Post a Comment