Saturday, April 23, 2016

Ghé Bến Thượng Hải

Đức Hà

Long ban long lau
Maan lei tou tou gong seoi wing bat jau
Tou zeon liu sai gaan si
Wan zok tou tou jat pin ciu lau ...

PUDONG, Thượng Hải - Nhạc khúc nổi tiếng "Bến Thượng Hải" xuất hiện từ thập niên 80' mãi đến nay tôi mới có dịp ghé Thượng Hải tham quan cho biết sự tình - nói rõ hơn là chỉ quá cảnh Pudong, sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải nguyên gốc viết như sau: 上海浦东国际机场. Cũng chưa có dịp ra đến bến của thành phố khổng lồ hơn 24 triệu dân nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Nếu tính thêm vùng phụ cận con số lên đến 34 triệu hơn. Thế nhưng vẫn có thể ba điều bốn chuyện về Thượng Hải tuy chỉ ngồi phòng đợi ở Pudong hoành tráng và ấn tượng. Thú thật nếu có cho xuống phố chơi thì cũng "Bù, xièxiè - no thank you" bởi vì downtown Thượng Hải có mức độ không khí ô nhiễm hàng đầu Trung Quốc ngang ngửa Bắc Kinh, Thiên Tân ... khói than nhà máy nhiệt điện, khói xe hơi, khói thuốc lá và đủ các loại khói và hơi khác nữa thì thà ngồi sân bay ít ra không khí cũng đã được lọc bớt cặn.


Sân Bay Quốc Tế Shanghai Pudong 
 Thuốc Lá

Không biết thủa xưa người Hoa, người Thượng Hải hút thuốc mức độ nào chứ hiện nay thì ai ai đều hút, mọi người cùng hút. Hình như vậy. Nhưng làm thế nào để mồi thuốc khi tất cả các kiểu quẹt ga hay xăng đều bị tịch thu ngay ở khâu kiểm soát an ninh sân bay - điều mà ở Mỹ TSA đã cho phép. Đảng và Nhà Nước TQ đã lo toan đầy đủ nhằm phục vụ phúc lợi cho nhân dân: ngay tại khu hút thuốc tự do đã để sẵn một loạt mấy kiểu hộp quẹt. Quẹt được cột chặt vào đế giống như mấy cây viết tại ngân hàng vậy. Tha hồ quẹt, tha hồ mồi thuốc nhưng không thể có bàn tay nhám nào cầm nhầm được. Tôi thấy cả ông lẫn bà, trẻ lẫn già, quần áo rất thời thượng à la Shanghai, ngồi phì phèo trong phòng kiếng mịt mùng khói thuốc. Họ cần phải rít nhiều hơi, ém đầy hai lá phổi trước khi lên máy bay chịu trận nhiều tiếng đồng hồ. Điều này cũng đúng thôi khi TQ sản xuất hơn 42% thuốc lá toàn thế giới với 350 triệu người ghiền thuốc - con số đông nhứt thế giới ghi nhận năm 2010 của Wikipedia. Tính bình quân toàn cầu cứ ba điếu thuốc được mồi lên thì có một điếu trên môi (thâm xì) người Hoa. Đã hút thì phải chết, trước sau gì cũng về với Ông Bà tổ tiên: hàng năm có một triệu người Hoa chết vì thuốc lá, thêm vào đó khoảng một trăm ngàn chết vì hít khói sái nhì. So với tổng dân số 1.357 tỉ thì chả sứt mẻ bao nhiêu.
Cơ quan Y Tế Quốc Tế - WHO ước tính với đà tiến nhanh như vậy thì vào năm 2050 sẽ có 3 triệu người chết mỗi năm nếu không có biện pháp chấn chỉnh ngay bây giờ. Chỉnh làm sao được khi nhà máy thuốc lá đều nằm trong hệ thống công ty quốc doanh - mà đã quốc doanh thì chủ chỉ có thể là nhà nước.

Trung Hoa vĩ đại, có nền kinh tế nhất nhì thế giới cũng nổi tiếng về hàng nhái, hàng giả, hàng lậu. Malboro xanh, đỏ, trắng cũng là nạn nhân thê thảm của cường quốc này.
Theo trang web Organized Crime and Corruption Reporting Project - OCCRP, trung tâm phối hợp các chương trình điều tra các vụ tham ô và tổ chức tội phạm toàn cầu đã gọi TQ là trùm quốc tế sản xuất thuốc lá giả. Hàng trăm nhà máy thuốc lá trong vùng Vân Tiêu, phía nam Phúc Kiến có khả năng đưa ra thị trường 400 tỉ điếu mỗi năm, đủ để cung cấp cho dân ghiền ở Mỹ hàng năm mỗi người 460 gói. Thuốc lá thật Made in USA vốn đã độc hại, thuốc giả lại còn độc hại gấp bội lần, nhưng con buôn không thể không chuyển hàng tấn bao thuốc giả đi khắp thế giới từ Châu Mỹ đến Châu Âu vì lợi nhuận quá sức béo bở. Giá vốn ở TQ theo nhà báo Te-Ping Chen của OCCRP chỉ không tới 20 cents gói sang đến Mỹ trở thành từ 5 đến 13 đô tùy bang. Hãng Phillip Morris International ở Virginia cho biết TQ sản xuất đến 60 loại bao bì Malboro khác nhau cho mỗi nước, từ tem thuế giả đến nhãn hiệu giả. Đại khái là bao bì được thực hiện theo yêu cầu của mỗi địa phương theo đúng tôn chỉ khách hàng là vua. Thuốc lá giả có đến 80% nhiều nicotine hơn, 130% carbon monoxide hơn, chưa kể vô số tạp chất như phân chim, phân người ... hít vào cực khoái nhưng sớm muộn cũng "Nay mai về với Ông Bà, Nấp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân."

Nhẩm Xà

Bên trong sân bay Pudong, từ khu chịu thuế đến khu miễn thuế - tức là qua khỏi khu kiểm soát an ninh, chỗ nào cũng có cửa hàng trà. Cửa hàng chong đèn sáng rực, trà bày tầng tầng lớp lớp hoa cả mắt, nhiều vô số kể, đủ kiểu bao bì, đủ dạng đủ màu sắc. Không chỉ trà rời, trà bột, trà lá, trà cọng, trà viên, trà gói mà cả trà kẹo, trà ngậm, trà nhai, trà bánh ... tất cả đều in chữ Hán, có Trời hiểu họ biên cái gì, ướp chất gì.
Điều cũng dễ hiểu bởi người Trung Quốc có tập quán lâu đời là “Ăn xong uống một tách trà,” cho nên trà có nguồn gốc văn hóa và lịch sử lâu đời ở đất nước này. Nghe đâu trà có cội nguồn từ Trung Hoa và cũng là cái nôi của văn hóa trà. Thế nên bên hàng ghế phải, bên trái, trước mặt, phía xa xa nơi tôi ngồi, quý vị cao niên, quý đồng chí, quý bà con phú nông công thương ... người nào cũng mang trong ba-lô, sách tay một bình trà nhựa. Nói chung không phải đa số mà phải là tuyệt đại đa số đều "nhẩm xà." Vì bình có nước không qua được máy kiểm soát an ninh nên họ mang bình không, dưới đáy có sẵn trà. Chỉ cần lại máy mở nước sôi đầy bình là có bình trà nhà mang đi. Nếu ai có cơ hội du lịch hay di chuyển bằng phi cơ thì máy uống nước công cộng ở phi trường chỉ có nước lạnh: người khát chỉ cần cúi xuống bấm nút là nước mát lạnh phun thẳng vào miệng hay vào bình chứa.

Shanghai có sự khác biệt. Cũng như phần thuốc lá nói trên, Đảng và Nhà Nước cũng lo không thiếu gì cho nhân dân của họ. Máy làm nước nóng, nước sôi để khắp nơi, cứ đi vài bước lại thấy kê một cái máy tương tự, vậy mà vẫn thấy đông người đứng chờ đến lượt lấy nước. Không thấy họ nối đuôi xếp hàng, nhưng có vẻ trật tự, ai đến trước lấy trước. Trên máy có ghi cách sử dụng bằng Hoa ngữ và Anh ngữ cùng xác nhận là nước được đảm bảo sát trùng 100% và có hai chế độ nước: ấm và sôi. Ai muốn sơi mì tô, mì ly có thể bấm nút cho nước sôi đúng nhiệt độ mình muốn (nhiệt độ điều chỉnh tùy thích) và cho vào mì. Người uống bình thường có thể lấy ly giấy nhỏ để kế bên máy và lấy nước ấm uống. Nếu có người cắc cớ muốn uống nước lạnh thì sao? có lẽ không được vì trên máy chỉ có hai nút: Warm và Hot.
Có bình trà Ô Long nóng nhâm nhi, thèm quá thì bước vào phòng khói làm vào điếu cho đỡ vã rồi ra ghế ngồi tán dóc ... ồn ào như phiên chợ. Hai người chuyện trò cũng đủ ồn, họ lại tụm năm tụm bảy xát phạt thì thử hỏi ồn đến chừng nào. Người Hoa xưa nay vẫn thế, ăn ồn, nói ồn. Húp mì muốn trôi người kế bên, uống ngụm trà xong là đắc chí khà khà muốn bay người đối diện. Nhưng trong bối cảnh vui nhộn, ầm ĩ và sinh động đó cho thấy dường như họ đang hạnh phúc viên mãn, vui với cuộc sống hiện tại. Mà đúng vậy cho dù "Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng miễn là nó bắt được chuột," chính sách cải cách và mở cửa tháo gỡ xiềng xích cho kinh tế tư nhân của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã mang lại giàu sang phú quý cho người dân. Từ nghèo khó vươn tới thịnh vượng - chỉ đứng hàng thứ hai sau Hoa Kỳ, Đảng và Nhà Nước đã mang lại sức sống tuyệt vời cho hàng triệu người dân. Giờ đây họ du lịch khắp thế giới, tiền tiêu như xả rác, kéo nhau đi hàng đoàn, hàng hàng lớp lớp với hướng dẫn viên cầm cờ đỏ đi đầu. Washington DC, New York City tràn ngập du khách Hoa kiều, Las Vegas, Grand Canyon, San Francisco, Thai Lan, Phuket ... đâu đâu cũng thấy họ. Ngay tại các cửa hàng sang trọng Galeries Lafayette, Au Bon Marché, Printemps Haussann ở Paris cũng phải thành lập một đội ngũ nhân viên tiếp thị nói tiếng Hoa để phục vụ Thượng Đế đại gia từ lục địa sang. Thậm chí vì nạn trai thừa gái thiếu ở trong nước, họ cần lấy vợ trẻ đẹp cũng sang Việt Nam - đất nước mà cách nay 38 năm lãnh tụ của họ từng phát biểu "Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học."

Chỉ có điều họ chỉ được biết điều gì Đảng cho biết thế nên nếu họ hãnh diện khi chánh quyền quyết tâm bài trừ tham ô qua chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" thì cũng chính thành viên trong chánh quyền đó có tên trong hồ sơ Panama Papers vừa được phát hiện - mà họ không hề biết.

Gàobié - 告别 (Chào Tạm Biệt)

Sau gần năm tiếng đồng hồ nằm, ngồi, đi đi lại vật vã tại sân bay Pudong, cuối cùng thì tiếng loa phát từ trần nhà cũng trân trọng "Xin mời quý khách đáp chuyến bay 9858 của Shanghai Airlines ra cổng số ...." Đoàn khách 100% người Hoa lục tục kéo nhau lên ngồi kín chiếc Boeing. Không hiểu họ có than phiền sự chậm trễ của chuyến bay hay không hay là họ quá quen thuộc với tình trạng ban phước này rồi.
Gởi lại lời nhắn cho Thượng Hải bằng phiên bản Việt của Bến Thượng Hải:


Người tình ơi giờ xa rồi
Làm sao ta biết nơi đâu là bến mơ
Còn đâu nữa giấc mơ thuở nào
Người ngày sau sẽ không bao giờ xa nhau.

No comments:

Post a Comment