Đức Hà
SEATTLE – Vào trưa ngày 30 tháng Tư, 1975 khi một lá cờ được
hạ xuống tại Dinh Độc Lập thì Phạm Viễn Phương vẫn còn nằm trong bụng mẹ trong
lúc cha, Phạm Xuân Vinh, mẹ Nguyễn Thị Ân cùng anh hai 4 tuổi đang ngồi trên một
chiếc Honda hoảng hốt phóng chạy ra bến Bạch Đằng tìm đường thoát thân, giữa một
Sài Gòn hoang tàn hấp hối.
“Chúng tôi phải đi thôi, cho dù tôi đang mang bầu người con
thứ hai được 9 tháng có thể sanh bất cứ lúc nào, mà ở lại thì số phận chồng tôi
sẽ tù tội, vợ con không biết tương lai ra sao,” bà Ân, kể lại giây
phút kinh hoàng nhứt của gia đình họ Phạm, giọng nói ngập ngừng xúc động.
Ông Vinh, từng là giảng viên trường Sinh Ngữ Quân Đội, nay đã
65 tuổi, cư dân Lynnwood, phía bắc Seattle, bồi hồi:
Gia đình Ông Bà Phạm Xuân Vinh tại Renton, WA 2006 |
Nhưng chuyện gì xảy ra sau đó để ngày 18 tháng Năm 1975, bà
Ân cho ra đời bé Phạm Viễn Phương trên đất Guam - mẹ tròn con vuông và để Viễn
Phương trở thành một trong ba công dân Mỹ gốc Việt đầu tiên sau biến cố ’75 là
cả một câu chuyện dài tràn đầy nước mắt hạnh phúc và thương đau, giằng co giữa
sự sống và cõi chết. Tuy nhiên hạnh phúc hay sự sống có đến được với hàng ngàn
người Việt lênh đênh trên chiếc HQ402 liệt máy và trên 30 tàu thuyền khác cùng trên
mươi chiếc trực thăng UH-1 đầy người tị nạn Việt đáp lên tàu Kirk là chính nhờ ơn
cưu mang của các chiến hạm Mỹ, đặc biệt là chiếc USS Kirk.
Bà Ân tin chắc “Có Ơn Trên phù hộ.”
Ông Vinh khẳng định: “Chúng tôi may mắn.”
Phạm Viễn Phương, vừa tròn 31 tuổi, tay bồng con trai đầu
lòng, 2 tuổi, bày tỏ: “Trời ơi, nếu không có tàu Kirk?”
Hạm Trưởng USS Kirk khiêm nhường: “Chúng tôi làm theo lệnh với
một tấm lòng.”
Ba mươi mốt năm sau, toàn gia đình ông Vinh, nay tăng thêm một
rể và một cháu ngoại, đã có buổi gặp gỡ đầu tiên với thủy thủ đoàn chiến hạm Mỹ
tại buổi hội ngộ USS Kirk Reunion 2006 tại Renton, Washington. Nếu năm 1975, gia đình họ Phạm điên đảo lo lắng đến cùng cực
cho tương lai khi Sài Gòn xụp đổ, thì ngày 12 tháng Tám vừa qua, họ là thượng
khách của buổi trùng phùng tràn đầy tiếng cười, tiếng nhạc và lời chúc tụng
bình an. Lần thứ ba liên tiếp từ năm 2004, chiến hạm Kirk lại có tuần lễ đoàn tụ
để những người con của USS Kirk có thể gặp gỡ, chung vui với những người đã cứu
vớt họ trên đường loạn ly năm nào.
USS Kirk
Hạm Trưởng Paul H. Jacob không thể ngờ rằng sự liên hệ của
ông với Việt Nam không chỉ dừng ở chín nhiệm kỳ công tác tại vùng biển VN với
nhiệm vụ yểm trợ hải pháo cho mặt trận trên đất liền, mà còn mở rộng đại gia đình
tàu USS Kirk đến tận ngày hôm nay.
“Có ai ngờ USS Kirk một chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ lại có
con cháu là người gốc Việt?” ông nói trong hãnh diện và vui thú.
Tháng Tư, 1975, tàu Kirk có nhiệm vụ chính là yểm trợ cho
các đoàn trực thăng làm công tác di tản nhân viên đại sứ quán cùng các cơ quan
Mỹ tại Sài Gòn, nhưng nhiệm vụ phụ lại khó khăn hơn nhiều:
“Chúng tôi cũng được lệnh phải cứu giúp người tị nạn trên biển
kể cả trực thăng của các phi công VN, và sau đó chuyển họ sang các tàu dân sự đủ
an toàn đi đến cảng Subic, của Phillipines.”
Tuy nhiên để đối phó với tình huống bất ngờ khi phát hiện có
năm phụ nữ mang bầu gần ngày sanh trong đó có bà Nguyễn Thị Ân, tàu Kirk không
có cách nào khác là cấp tốc thành lập phòng hộ sản dã chiến ngay trên tàu.
“Chúng tôi dùng phòng nghỉ của sĩ quan để lập phòng sanh, nhưng
năm bà, bà nào cũng khóc lóc rên la thảm thiết, mà chẳng chịu sanh,” ông kể.
Phải nhiều ngày sau khi chuyển đến Guam, bà Nhường (hay Nhượng)
sanh đầu tiên, đến bà Ân sanh ngày 18 và bà Nguyễn Thị Tường Lan ngày 22 tháng Năm 1975. Nhưng
cũng từ đó USS Kirk và nhóm người Việt mất liên lạc.
Hạm Trưởng Jacob cho hay phải 30 năm sau, nhờ sự giúp đỡ của
báo Người Việt, ông mới được gặp người con nuôi đầu.
“Trong cuộc họp mặt năm ngoái tôi gặp con nuôi Trần Nguyễn
Kirk Giáng Tiên, con gái của bà Lan có tên đệm là Kirk, năm nay là con nuôi Phạm
Viễn Phương, con của bà Ân, còn phụ nữ thứ ba cũng sanh tại Guam thì chúng tôi
vẫn chưa bắt liên lạc được.”
Tuy chiến hạm Kirk được chuyển giao cho Đài Loan năm 1993 và
đổi tên thành Fen Yang, nhưng theo lời ông Jacob đại gia đình USS Kirk vẫn còn
và ngày một đông con cháu hơn.
“Có vui nào bằng vui đoàn tụ đại gia đình, phải không nhỉ,”
ông nói.
Reunion 2006
Đã 31 năm trôi qua, nhưng hình ảnh của những ngày đen tối năm
xưa vẫn còn in đậm nét trong từng con người.
Bà Ân, mẹ của baby Kirk Viễn Phương thú nhận: “Thật tình lúc
đó chúng tôi không biết chạy đi đâu, dường như có điều gì thúc đẩy nên cứ phía
trước chúng tôi liều mình chạy tới.”
Bà Lan, cư dân Long Beach, Nam Cali, mẹ của Baby Kirk Giáng
Tiên, cũng y hệt: “Lúc đó tôi chỉ mới 17 tuổi, một thân một mình, bụng mang
cháu, thấy hàng xóm chạy thì mình cũng chạy; vậy mà cũng chạy tới tận Mỹ.”
Viễn Phương, thực tế hơn: “Thật là hạnh phúc khi cả gia đình
Phương vẫn còn sống và đến định cư tại Mỹ đến ngày hôm nay và Phương có cháu
trai đầu lòng, cháu ngoại đầu tiên của tàu Kirk đấy!”
Và trong lúc mọi người từ thủy thủ đến người Việt đều ghi nhận
hình ảnh trái ngược khi Mỹ rút năm ‘75, và người Việt chạy tán loạn để vài mươi
năm sau cả người Mỹ lẫn người Việt từ từ trở lại nơi đã bỏ đi, thì Hạm Trưởng
Jacob lại có thêm công tác không kém phần ngược trái.
“Năm 1975 tôi có nhiệm vụ cứu vớt người Việt trên biển thì
nay tôi lại giúp người Việt tháo gỡ bom, đạn và mìn do người Mỹ ném xuống VN.”
Ông Jacob cùng với con trai là thành viên của nhóm chuyên
viên đặc biệt đang làm công tác truy tìm dữ kiện về các tọa độ quân đội Mỹ đã
dùng để thả bom hay gài mìn tại chiến trường Việt Nam. Người ta ước tính quân đội Mỹ đã
sử dụng khoảng 15 triệu tấn bom đạn các loại trong đó có 10% chưa nổ, và tin
cho biết có ít nhứt 38,000 người chết và hàng trăm ngàn người bị thương do bom đạn
không nổ kề từ khi chiến tranh chấm dứt.
“Với tôi, nhiệm vụ vẫn chưa hết,” ông nói trong bài diễn văn
đọc tại buổi Reunion 2006.
No comments:
Post a Comment