Một Baby Kirk tại trại tỵ nạn |
Đức Hà
Chỉ vài ngày sau khi thủy thủ trên chiến hạm USS Kirk gặp gỡ
lần đầu tiên với Baby Kirk Phạm Viễn Phương trong buổi liên hoan hội ngộ tại
Renton, bang Washington, ngày 12 tháng Tám 2006 thì Baby Kirk Nguyễn Hạnh
Nhân xuất hiện.
“Sau khi tầu Kirk đưa đến Subic Bay thì mọi người phân tán,
tôi lo cho bà xã đâu còn tâm trí đâu mà liên lạc với gia đình mấy bà bầu cùng đi
trên tầu Kirk,” ông Nguyễn Hữu Nhượng, trả lời phỏng vấn qua điện
thoại từ Texas.
Ông Nhượng, công chức tại Sài Gòn trước đây kể tiếp rằng sự
hốt hoảng khi xuống tàu ra đi, rồi tin Sài Gòn thất thủ, trong lúc lại phải lo
lắng cho vợ, bà Nguyễn Thị Nhỏ đang mang bầu đứa con đầu lòng khiến ông hoàn
toàn rối trí.
“Kể từ khi vất vả chen chân được xuống tàu HQ3 tại bến Bạch Đằng
chiều tối ngày 29 tháng Tư, 1975, thì đầu óc tôi như điên cuồng. Thấy bảo xuống
tàu gấp, thì tôi đi chứ chẳng biết đi đâu.”
Ông cho biết tàu không chuẩn bị nước uống và thực phẩm nên
khoảng 2-3 ngàn người trên tàu bị đói dài cho đến khi gặp tàu Mỹ tại Côn Sơn.
Hàng ngàn người Việt lênh đênh trên các ghe thuyền, tàu quân
sự ngoài khơi hải phận Việt Nam tháng Tư, năm 1975 đã được tàu Mỹ hộ tống hoặc
cứu vớt đưa đến Vịnh Subic của Philippines an toàn. Trong số hàng ngàn người
này có năm phụ nữ mang bầu được đặc biệt đưa lên tạm trú trên chiến hạm Hoa Kỳ
USS Kirk trong suốt chuyến hải hành từ Côn Sơn đến Subic Bay.
Hội Ngộ
Hai mươi chín năm sau, trong lần họp mặt đầu tiên năm 2004 tại
San Diego, các thủy thủ trên chiếc Kirk quyết định tìm lại năm phụ nữ từng được
họ cưu mang trước đây và nhận những người con của năm bà này làm con nuôi. Năm
2005, qua một bài viết trên báo Người Việt, Baby Kirk Giáng Tiên, con gái của
bà Nguyễn Thị Tường Lan gặp được những người cha nuôi trong ngày USS Kirk’s
Reunion tại Orlando, Florida. Năm nay Baby Kirk Phạm Viễn Phương (xem Những Người
Con Của USS Kirk - Phần 1), con gái của bà Nguyễn Thị Ân được xum họp với đại
gia đình USS Kirk. Và chuyện bất ngờ nhứt là việc tìm thấy của Baby Kirk thứ ba
Nguyễn Hạnh Nhân, một kỹ sư ngành hoá tại Dallas,
Texas.
Hiện đang hưu trí an nhàn tại thành phố nhỏ Seguin, gần San
Antonio, Texas, ông Nguyễn Hữu Nhượng, 67 tuổi nói rằng chuỗi ngày loạn ly vẫn
là cơn ác mộng kinh hoàng nhứt đời, nhưng ông cũng không khỏi bỡ ngỡ và không
thể quên khi vợ ông sanh con ngày 10 tháng Năm, ’75 trên một tàu hàng Mỹ di
chuyển từ Subic đến Guam.
“Sanh xong, họ bắt bả đi tắm và cho ăn đủ thứ kể cả đồ chua
mà không kiêng cử gì cả là điều làm tôi ngạc nhiên nhứt khi tiếp xúc với văn
minh Mỹ,” ông Nhượng nói trong tiếng cười.
Từ Guam, gia đình ông Nhượng được chuyển trại đến Camp Pendleton,
gần San Diego rồi từ đó về với người bảo lãnh ở Seguin.
Tại quê hương thứ hai, gia đình ông Nhượng tiếp tục bành trướng.
“Chúng tôi có thêm hai gái và một trai, tất cả đều chăm học
và học thật giỏi, toàn thủ khoa,” ông hãnh diện chia xẻ.
Baby Kirk III
Thế rối, rất bất ngờ vào một ngày trời nóng bức như thường lệ
của Nam Texas, ông Nhượng nhận được cú điện thoại làm ông mát rượi cả lòng:
“Ông Vinh trên Seattle
gọi cho tôi sau khi hỏi thăm lòng vòng, từ người quen này sang người bạn kia,
sau cùng thì tới tôi; cũng may là ông ấy còn nhớ tên Nhường nên cũng dễ kiếm.”
Ông Phạm Xuân Vinh là cha ruột của Baby Phạm Viễn Phương. Ngay
sau đó cũng có tin đã “kiếm ra Baby Kirk
thứ ba rồi!”
Ba cô gái 31 tuổi, Nguyễn Hạnh Nhân, Phạm Viễn Phương và Trần
Nguyễn Kirk Giáng Tiên giờ đây là những con nuôi của tàu USS Kirk và cả ba đang
chờ mong sẽ có dịp gặp nhau trong kỳ họp mặt năm 2007 tại Virginia. Cha và mẹ đã
cho họ sự sống, nhưng không ai biết điều gì xảy ra nếu gia đình họ không được sự
cưu mang của tàu Kirk, 31 năm trước đây. Bởi vậy khi hỏi về cảm xúc của mình
trong buổi Reunion 2006 vừa qua, Baby Kirk Viễn Phương bày tỏ:
“Trời ơi, nếu không
có tàu Kirk, thì không biết ra sao nữa?”
No comments:
Post a Comment