Nguyễn Xuân Hoàng
Tôi nói những tiếng hát của tôi, những tiếng hát đã cùng
sống với tôi, cùng lớn lên với tôi, và cùng... thở với tôi.
Những tiếng hát vang lên trong lồng ngực tôi khi tôi đau khổ
cũng như khi tôi cực kỳ hạnh phúc. Những tiếng hát thời thơ ấu của tôi, những
tiếng hát khi tôi mới vào đời, những tiếng hát nghe vẳng bên tai trong những
ngày khốn khó... ở Nha Trang, Sài Gòn, Đà Lạt, Rạch Giá, Bataan-Phi Luật Tân
hay Hoa Thịnh Đốn, Quận Cam… Những tiếng hát nghịch ngợm khi bọn chúng tôi gặp nhau trong những buổi
họp mặt bạn bè. Những tiếng hát thầm trong cuống họng khi tôi nằm tù ở Kinh
Làng Thứ Bảy, U Minh. Những tiếng hát đã theo tôi đi khắp nơi trong cuộc sống tôi.
Những tiếng hát đã làm
thành một phần đời tôi.
Tôi không nhớ tiếng hát đầu tiên đến với tôi là tiếng hát
của ai. Có lẽ là của mẹ tôi. Tiếng hát ru, rất buồn của một phụ nữ tất tả ngược
xuôi, suốt đời chưa một ngày hạnh phúc. Mẹ tôi hát ru cho anh tôi, cho tôi, cho
các em tôi và rồi hát tiếp cho các cháu tôi. Tôi đã mang tiếng hát đầy vần điệu
và bi thảm ấy của bà vào đời. Tiếng hát úa vàng theo năm tháng.
Nhưng tiếng hát ấy không chết. Và rồi tôi nghe Thái Thanh,
Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc. Buồn như Bà Mẹ Gio Linh, vui như Ngựa Phi Đàng
Xa.... Và tôi nghe Thanh Thúy Nửa Đêm Ngoài Phố, nghe Lệ Thu Tình Khúc Thứ
Nhất, nghe Khánh Ly của Từ Lúc Đưa Em Về là biết xa nghìn trùng, những lời ca
buồn trong một cuộc chiến ngày càng đổ dồn về các tỉnh thành. Chiến tranh bi
thảm như những ca khúc mà tôi nghe thuở đó. Rồi Lê Uyên & Phương một hôm
bỗng tách ra dòng nhạc quen thuộc bằng những ca khúc gào thét xót xa về một cuộc
tình đam mê giông bão; rồi Nguyễn Đức Quang đột ngột với Việt Nam Quê Hương
Ngạo Nghễ.... những ca khúc làm người ta đứng lên chứ không phải ôm đầu ngồi
xuống...
Tất cả những tiếng hát ấy đã thâm nhập vào tôi... trở thành
một phần máu thịt tôi. Tôi yêu tiếng hát Khánh Ly, yêu kỳ lạ như mối tình đầu khi
nghe chị hát ở sân trường Đại Học Văn Khoa, Sài Gòn.... Đó là một tiếng hát bóp
trái tim người nghe. Đau nhói. Thơ mộng. Xót xa. Trữ tình ... Và sau cùng chiến tranh kết thúc, cũng là lúc
nhiều người trong chúng tôi phải ra đi. Ra đi, tay không, nhưng trong hành
trang không thiếu những tiếng hát quá khứ đã làm thành kỷ niệm. Tôi nhớ, năm
1986, sau mấy tháng từ bên trại tị nạn qua, lần đầu tiên từ Virginia xuống Quận Cam, ông bạn Đỗ
Đình Tuân trên đường chở tôi đi tìm một chỗ trọ, đã cho tôi nghe một tiếng hát
mà ông nói rằng đó là tiếng hát rất hay và đầy triển vọng. Người hát là Khánh
Hà. Tôi chỉ là một người nghe nhạc bình thường như mọi người. Tôi không có khả
năng thẩm âm. Những tiếng hát nào làm tôi rung động, tôi yêu tiếng hát đó.
Tiếng hát Khánh Hà khàn đục ẩm ướt, đó là một tiếng hát buồn, nó vuốt ve được
nỗi đau của tôi, một người chân ướt chân ráo từ trại tị nạn sang sau 10 năm ở lại
Việt Nam.
Rõ ràng là những khúc buồn ở lâu trong tôi hơn là những khúc vui. Khi người ta
vui, người ta có nhiều việc để làm hơn là khi người ta buồn. Ở rừng U Minh,
trong những ngày tù tội, tôi khám phá ra những bài hát – mà người ta vẫn cho là
“sến” nhất – lại trỗi dậy trong tôi rõ nhất. Kỳ lạ thay âm nhạc. Tối
thứ Năm tuần cuối tháng Mười vừa qua, tình cờ mở TV tôi thấy một chương trình
nhạc – hình như là để gây quỹ cho phụ nữ bị ung thư ngực? – tôi nhìn thấy một nữ
ca sĩ, Dolly Parton, người mà tôi không thích tí nào mỗi khi nhìn thấy bà trên màn
ảnh, một tình cảm hoàn toàn chủ quan, vô cớ và tất nhiên đừng bắt tôi giải
thích vì sao. Tôi định bật sang đài khác thì tôi nghe người dẫn chương trình
giới thiệu bài nhạc sau cùng, ca khúc có tên là Jolene của Dolly Parton. Tôi không ngờ bà cũng là người viết nhạc. Một ca sĩ
trẻ bước ra, rồi nhiều ca sĩ khác ra, cả người dẫn chương trình và sau cùng là Dolly
Parton. Lời bài hát, tôi nghĩ là buồn, lời của một phụ nữ van xin một người nữ khác
hãy buông tha người yêu của cô, đừng bắt hồn người đàn ông mà cô đang say đắm.
Jolene, Jolene, Jolene, Jolene
I’m begging of you please don’t take my man
Jolene, Jolene, Jolene, Jolene
Please don’t take him just because you can
....
He talks about you in his sleep
There’s nothing I can do to keep
From crying wh en he calls your name, Jolene
And I can easily understand
How you could easily take my man
But you don’t know what he means to me,
Jolene, Jolene, Jolene, Jolene,
“Tôi biết cô có thể chọn được những chàng trai khác, còn tôi, tôi không
bao giờ còn có thể yêu ai được nữa, chàng là mối tình duy nhất của đời tôi.
Jolene ơi, tôi phải nói điều này với cô. Hạnh phúc của tôi tùy thuộc vào cô,
Jolene ơi!”
Lời cầu xin van nài tràn ngập bài hát, nhưng bài hát nghe
thật vui như thể những lời mỉa mai, cay đắng hơn là một điệu buồn rũ rượi... Ca
khúc đó Dolly Parton viết năm nào? Có phải cách đây đã ba thập kỷ và năm 1999 mới
lại tái xuất hiện trong album của Parton? Đối với tôi, một người dốt nát về nhạc,
niềm vui đến từ âm điệu hơn là đến từ sự phân tích. Liệu ở Mỹ giờ đây người ta còn nghe những ca khúc viết
cách đây từ ba bốn thập niên? Tôi không nói nhạc cổ điển mặc dù qua bao nhiêu thế kỷ
nhạc cổ điển đâu đã lung lay. Tôi muốn nói nhạc rock đầu những năm 50, và gần
đây nhạc rap và nhạc hip-hop, có vẻ như vẫn còn sống lâu.
Theo Tim Smith, nhà phê bình nhạc cổ điển của tờ Baltimore
Sun, thì "Với việc nhiều đài phát thanh vẫn phát ‘các ca khúc nổi tiếng của
thập niên 80, 90 của thế kỷ trước và hiện nay’, phong cách nhạc pop cũ vẫn tiếp tục là
một bộ phận vững chắc trong nền âm nhạc Hoa Kỳ."
Tôi nghĩ, những ca khúc của Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công
Sơn... cũng sẽ còn lâu mới bị quên lãng. Và rồi đây, Thái Thanh tuy không còn
hát nhưng khi nghe và xem Ý Lan trình diễn, tôi khám phá ra kỷ niệm tôi vẫn còn
đó. Ý Lan hát bằng tất cả cái vẻ mềm mại tràn ngập nữ tính của cô. Cô hát như
một phô diễn về thời trang và nhan sắc. Tiếng hát của cô luôn luôn mang cái âm
điệu mời gọi, nó đang trở thành là một trong những tiếng hát làm thành một mảng
sống ở hải ngoại.
Và ai nữa? Nhiều chứ. Làm sao tôi quên được tiếng hát Ái
Vân. Ở xa ViệtNam, tiếng hát Ái Vân là một bù đắp cái khoảng trống quê hương.
Chiếc áo cô mặc khi trình diễn, bước chân cô di chuyển trên sân khấu, âm điệu
luyến láy ở mỗi nốt nhạc, Ái Vân hát với tất cả hồn tính và Việt tính nơi cô. Tôi yêu tiếng hát của cô như yêu
cái phần tôi tìm kiếm mãi cho mình mà không ra.
Không một dân tộc nào thiếu tiếng hát của riêng mình. Không
một người nào thiếu tiếng hát của cá nhân mình. Tuổi trẻ chúng ta đi qua, nhưng
những tiếng hát vẫn còn y nguyên trong những chiếc đĩa nhạc cũ kỷ của mỗi
người. Tôi nghĩ, đôi khi nỗi buồn trong âm nhạc cũng là một sức mạnh. Sự khốn
cùng có thể làm người ta đứng dậy như nỗi đau tận cùng của một âm điệu cũng làm
người ta vùng lên làm nên giông bão.
Trong ý nghĩ đó tôi muốn viết về một tiếng hát của tôi: Lệ
Thu, một trong số ít tiếng hát không ngừng chinh phục người nghe. Từ hơn ba thập niên
qua, tiếng hát của cô mỗi lần cất lên đều khiến người nghe phải dừng lại. Tiếng
hát trời cho ấy phát ra từ một trái tim và đi thẳng vào trái tim người nghe để trở
thành kỷ niệm. Dù bài hát ấy được nghe ở một phòng trà giữa một Sài Gòn tưởng
chừng như không có bóng dáng của chiến tranh, hay trong một nơi trú quân xa gần
biên giới, tiếng hát ấy luôn mang theo cái không khí lãng mạn mà không bi thảm, buồn bã mà không sướt mướt.
Trong tiếng hát của cô, người nghe khám phá ra sự quyến rũ
cuả âm thanh, sự sáng tạo của âm điệu và lòng tự tin. Tiếng hát của cô chuyên
chở một hơi thở mới trong nhịp và nhấn, trong luyến láy và gợi cảm. Lệ Thu hát
say mê như thể quanh cô không còn ai ngoài cô và chính tiếng hát của mình. Cô
không hát chỉ như một ca sĩ, cô còn hát như một nghệ sĩ. Nghe Lệ Thu trình bày Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ
Thành An, hay Ngậm Ngùi của Phạm Duy, người nghe biết rằng sau cô, những tiếng hát
khác sẽ không hát như thế, không hát được như thế. Phát âm rất chuẩn, giọng vang
và rõ, tiếng hát của Lệ Thu thoát ra từ một lồng ngực khoẻ mạnh và một trái tim
đam mê. Lệ Thu không hát từ cổ họng. Chúng ta hiểu vì sao cô không nhận hát bất
cứ một ca khúc nào. Cô chọn bài hát, cô đọc từng ca từ, cô dạo nhạc để nghe
tiết tấu của âm điệu. Và cô hát trước hết vì cô yêu ca khúc cô đã chọn.
Ở Sài Gòn hồi đó, cái thời chiến tranh còn mấp mé ở ven
biên, nhưng lựu đạn cay đã ‘xuống đường’ tràn ngập phố phường, vào một tối thứ Năm,
qua chương trình nhạc
chủ đề do Nguyễn Đình Toàn phụ trách, tôi nghe Lệ Thu hát.
Những tình khúc xót xa hay đam mê cất lên giữa một cuộc chiến buồn bã. Thời đất
nước không có một niềm vui. Tiếng hát Lệ Thu, dù sao rất ngậm ngùi. Trước Hạ
Trắng, trước cả Lời Buồn Thánh, ca khúc Việt Nam đầu tiên mà Lệ Thu hát là Xin
Mặt Trời Ngủ Yên của Trịnh Công Sơn.
Chắc cô hiểu vì sao mình đã chọn ca khúc đó, tôi nghĩ như
vậy. Bước chân đầu đời dẫn cô nữ sinh Bùi Thị Oanh, trường Les Lauriers đến gần
chiếc micro ở nhà hàng Bồng Lai với bài Tà Ao Xanh năm 1960 thoáng chốc trở thành ca sĩ Lệ
Thu của những ca khúc Serenade, Smoke Gets In Your Eyes, La Vie En Rose, Les
Feuilles Mortes… Đó là thời gian Sài Gòn nổi lên các tiếng hát Bạch Yến, Bích
Chiêu, những tiếng hát đã tạo cho mình một
chỗ đứng riêng, nhưng Lệ Thu bằng nhân dáng và nhân cách của mình, cô đã vẽ được quanh cô một vầng sáng khác biệt. Tiếng hát của cô
vượt lên một khoảng trời khác, như một ngôi sao giữa những ngôi sao, mà ánh sáng của
nó thu hút ngay khi lần
đầu ta nhìn thấy nó. Lệ Thu trở thành ca sĩ đắt giá nhất trong những năm 70. Cái
mức lương 1 trịệu đồng một tháng khi cô hát cho phòng trà Tự Do của ông Cường
là cái giá kỷ lục của một ca sĩ vào thời điểm đó. Trước đó, khi bước vào phòng
trà Queen Bee của Jo Marcel – và sau đó là Ritz – tiếng hát của cô đã làm Tiny
Yong – một giọng hát lẫy lừng từ Pháp sang phải gẫy hợp đồng trở lại Paris.
Đó là thời gian người ta khám phá ra một Lệ Thu đầy ấn tượng. Lệ Thu hoàn toàn làm
chủ sân khấu của mình. Người nghe đòi hỏi tiếng hát của cô, phải có tiếng hát
của cô. Và cô biết tại sao mình phải chọn ca khúc nào cho người nghe của mình.
Khác với Thái Thanh tiếng hát gắn liền với nhạc Phạm Duy;
hay Khánh Ly, gần gũi nhạc Trịnh Công Sơn, Lệ Thu không ngã về một nhạc sĩ nào.
Cô hát những ca khúc cô yêu thích. Cái thế giới âm nhạc của cô rộng hơn, đa
dạng hơn, phong phú hơn. Cô hát nhạc Cung Tiến, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Trường Sa,
Trần Trịnh, Đoàn Chuẩn-Từ Linh… Từ Ngậm Ngùi, Bên Cầu Biên Giới, Đường Em Đi,
Lệ Đá, Hương Xưa, Tà Áo Xanh, đến Nước Mắt Mùa Thu… Lệ Thu như một người giữ
bảo tàng những tình khúc của âm nhạc Việt Nam.
Mặc dù cô khiêm tốn
cho rằng những bài cô không chọn để hát không phải vì những bài ấy không hay, nhưng
rõ ràng những ca khúc mà cô quyết định chọn trong nhạc lịch của mình, cô đã
mang hơi thở cho đời sống của tác phẩm và tác giả. Phải nói những ca từ của một bài nhạc đã thu hút cô trước khi âm điệu của nó quyến rũ
cô. Người ta không ngạc nhiên khi nghe cô trả lời phỏng vấn bằng một thứ ngôn ngữ
khá trí tuệ. Lệ Thu thuộc lớp ca sĩ kiểu như Juliette Greco của Pháp với những
ca khúc Sous Le Ciel de Paris, Je Hais Les Dimanches, SiTu T’Imagines... Cái
khác là trong khi Juliette Greco với y phục toàn đen, đôi mắt đen, mái tóc dài đen, hát trong hầm tối,
thì Lệ Thu tươi tắn hơn,
hồng hào hơn, sống động hơn, hát trong phòng trà nơi người
ta đến để khiêu vũ. Nhưng khi Lệ Thu cất tiếng, những điệu luân vũ đã ngừng
lại. Người ta dừng chân để lắng nghe cô hát.
Giờ đây đang bước vào một thiên niên kỷ mới, thế giới âm
nhạc đã mang nhiều âm điệu mới, phong cách trình diễn cũng đã khác xa cái phong
cách mà Lệ Thu trước đây từng chinh phục chúng ta. Người ca sĩ ngày nay mang
theo hình ảnh một vũ công: tiếng hát của họ đòi hỏi một phối hợp nhịp nhàng với
các động tác múa và đôi khi rất tuồng trên sân khấu. Người nghe bị chinh phục
không phải chỉ bằng tiếng hát, mà bằng âm thanh, ánh sáng, màu sắc và động tác.
Nhưng kỳ lạ thay, nghe Lệ Thu hát với một phong thái tĩnh
như cách đây hàng mấy thập niên, người ta không thấy mình bị ép giữa những trang
giấy cũ, những trang thư tình viết trên giấy kẻ với cây bút mực – mà tiếng hát ấy
vang vọng lên như những tiếng động phát ra từ cái printer đặt dưới chân bàn. Lệ
Thu vẫn mới trong một phong cách điềm đạm. Trước đây, cô đã hát bằng hơi thở của thế hệ
cô, liệu giờ đây giữa những cái mới trong
nghệ thuật trình diễn, Lệ Thu có chinh phục được người nghe
của thế hệ đương đại?
Dù sao với tôi, bao giờ cũng vậy, nghe Lệ Thu hát là một
hạnh phúc. Hãy nghe cô
hát, chúng ta sẽ thấy vì sao Lệ Thu không ngừng chinh phục
chúng ta.
Tùy bút được đăng trên Viet Mercury số 250 11/07/2003
Nguyễn Xuân Hoàng đã không còn nữa. Dù sao cũng cám ơn ông đã chia sẻ một bài viết hay, tỷ mỷ và đầy cảm xúc khiến người đọc cảm thấy ấm áp , như có một tri âm bên cạnh.
ReplyDeleteVà cũng không quên cám ơn người đã post bài viết này đã cho tôi những giây phút ấm áp giữa đêm đông lạnh lẽo của Sanjose.