Saturday, March 15, 2025

Từ Emeryville đến Chicago

Đức Hà

CHICAGO – (Illinois) - Mọi người đang chuyện trò rôm rả. Mấy ông xúm nhau sát phạt náo nhiệt với cỗ bài Tây. Một phụ nữ quấn khăn ngồi ở cuối, lặng lẽ đan áo không màng tới tiếng ồn chung quanh. Vài con trẻ chia nhau mấy cái bánh ngọt cười đùa hồn nhiên. Bỗng nhiên có tiếng hét to: “Coi kìa, đằng xa có ai đang chạy tới!” Đám bụi mù từ chân trời ngày càng rõ hơn – thì ra một toán người đang phi ngựa như bay, đầu đội vành lông chim ó sặc sỡ, mặt mũi vẽ phẩm trắng, đỏ, vàng ghê rợn hung dữ. Họ la hét vừa phóng ngựa như bay đuổi theo đoàn tàu. Rõ ràng họ là thổ dân da đỏ, bộ lạc Cherokee, Choctaw, Cheyenne ... gì đó - những người khách không mời. Không bao lâu họ đuổi kịp và bắt đầu dương cung phóng những mũi tên vào các toa tàu. Thế rồi trong khi con trẻ chui xuống gặm ghế run sợ, tất cả hành khách trong toa cả nam và nữ cũng đã chuẩn bị sẵn. Súng ngắn súng dài kể cả khẩu Winchester, khẩu Colt lợi hại bắt đầu nhả đạn. Hàng loạt mũi tên từ ngoài bắn vào, đạn tóe lửa từ trong bắn ra, có người ngã xuốngđó là một hoạt cảnh sôi động của loại phim cao bồi western được Hollywood dàn dựng dựa vào thời điểm xa xưa khi người da trắng xây dựng và chuyển vận trên tuyến đường sắt xuyên nước Mỹ từ đông sang tây. Từ 1804 đã có tuyến đường ray đầu tiên của nước Mỹ trước khi có nội chiến Nam-Bắc.

Nhưng đó là chuyện từ mấy chục năm trước khi nước Mỹ vẫn còn hoang sơ, người da đỏ và băng cướp cạn vẫn thường xuyên tấn công các đoàn xe lửa đi ngang vùng đất của họ. Những “anh hùng” Jesse James, Frank James, Butch Cassidy … nổi tiếng nhờ các vụ cướp xe lửa thành công và các sát thủ bắn chậm thì chết như Wyatt Earp,Wild Bill Hickok … cũng vang danh thời “Wild, Wild West” ly loạn đó. Ngày nay dĩ nhiên không còn nữa. Và tuyến đường sắt có tên California Zephyr, xình xịch xình xịch chạy suốt gần bốn ngàn cây số với hàng chục trạm dừng từ Emeryville của California đến trạm cuối Chicago của Illinois là một hành trình thú vị, sống động và êm ả tuy có phần … lắc lư. Tàu Zephyr đi qua những khung cảnh nên thơ hùng vĩ với đồi núi, sông lạch, rừng thông, thảm cỏ, đồng bằng, nông trang, trang trại nuôi bò bạt ngàn bao la xa tít tận chân trời. Đi từ tây sang đông mới thấy đất nước USA thật sự vĩ đại, rộng lớn với khí hậu chuyển biến rõ rệt từ vùng này sang tiểu bang khác – lẽ dĩ nhiên kể cả múi giờ. Chẳng thế mà tuyến California Zephyr được xem là một trong những hành trình đẹp nhứt Bắc Mỹ.

Khởi Hành: Emeryville

Xây dựng ở phía bắc San Francisco, nhà ga Emeryville chỉ mới được hình thành năm 1993 và California Zephyr chính thức dùng làm trạm cuối từ 1994, cho dù đã chạy tuyến này từ 1949 theo trang Wikipedia. Cùng sử dụng nhà ga này là các tuyến Capitol Corridor, Coast Starlight, và San Joaquins. Nõi rõ thêm là mỗi tuyến đường xe hỏa của Amtrak chạy khắp nước Mỹ được đặt một tên gọi. Emeryville chỉ được đặt tên “Station” khác với các nhà ga lớn quy mô và tráng lệ có tên “Union Station.” Vậy muốn đi Chicago bằng California Zephyr thì phải đi từ Emeryville Station. Hành khách từ Nam Cali như San Diego, Quận Cam, Los Angeles hay San Jose, San Francisco cũng vẫn đi bằng xe lửa hay xe buýt của Amtrak để đến Emeryville. Rồi từ đó trực chỉ hướng đông.

Chúng ta hãy cùng bước lên California Zephyr. Tiếng còi hú vang dội, tàu bắt đầu chuyển bánh, từ từ chậm chạp rời bến. Dưới sân ga người tiễn vẫy tay chào nhau, khách trên tàu gởi lại mấy nụ hôn gió. Kẻ đi người ở được tiễn tận chân tàu – không khó khăn rườm rà như ở phi trường phải qua bao nhiêu là thủ tục khám xét giấy tờ an ninh và cách ly – luôn cả tháo giầy, tháo jacket, giơ tay cao khi vào phòng quét cơ thể. Đưa tận nơi đón tận cửa là điểm mạnh của xe lửa nhưng điểm yếu là đường dài lê thê, lắc qua lắc lại lắc mãi vẫn chưa thấy bến đậu. Nhưng mà chỉ những ai muốn thưởng thức sự an nhàn, chẳng quan tâm đến thời thế, không màng đến những bận bịu của cuộc sống xã hội như cơm áo gạo tiền thì mới chọn xe lửa để có thời gian ngẫm nghĩ, suy tư về mình về tha nhân – kể cả những mối tình lớn nhỏ từ xưa đến nay và sắp tới (?) Chẳng hạn muốn đến Chicago Union Station phải trải qua 35 nhà ga lớn nhỏ, khoảng 52 giờ đồng hồ, trên tuyến đường dài 2,400 miles và hai đêm ngủ trên tàu. Nhưng để đổi lại – mà đi phi cơ không thể so được là được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp tuyệt mỹ chỉ có trong tranh: một USA hoang sơ hùng vĩ như từ thủa khai sinh lập địa.

Từ California, Zephyr vượt biên giới sang Nevada, rồi Utah, Colorado, Nebraska, Iowa, và cuối cùng là Chicago của Illinois. Zephyr 6 chạy từ tây sang đông, và Zephyr 5 chạy ngược lại. Cali đang ấm áp nắng rực thì khi tàu bắt đều leo núi Rocky Mountains hay đi vào vùng Sierra Nevada thì rừng cây bạt ngàn, núi cao có thể có cả tuyết phủ kín nếu đi vào mùa đông. Lúc tàu đi vào đất Utah thì phải nói núi đồi đỏ hoe cao vời vợi với hình dáng kỳ lạ, chuyển sang Colorado thì bỗng nhiên màu đỏ biến dạng, núi vẫn trùng điệp nhưng bị thời gian bào tròn phủ kín với đồi thông xanh ngắt. Tàu vượt sông Mississippi nước đục, sóng cuồn cuộn khi rời Iowa để vào Illinois. Vào đến đất Trung-Tây Hoa Kỳ hành khách được nhìn thấy những nông trại bao la bát ngát – nơi thì nuôi bò, nơi trồng nông phẩm. Hướng mắt nhìn xa xa sẽ bắt gặp hàng trăm con dê đàn bò lặng lẽ gặm cỏ vàng thờ ơ với con rắn Zephyr đang uốn lượn trên đường ray. Thi thoảng lại xuất hiện một hay căn nhà mái tôn vách đỏ chói, thấp thoáng bên con sông nước chảy lững lờ. Có vẻ đúng như phim ảnh, những người đi khai hoang hay đi tìm vàng từ đông sang tây thủa xưa đều dựng nhà cạnh hồ nước hay sông lạch để lấy nước sinh hoạt ăn uống và tưới hoa mầu trên miếng đất sau nhà. Đôi khi cũng thấy máy bơm nước bằng gió với chong chóng bay vù vù khác hẳn với những cánh quạt khổng lồ của máy tua-bin gió (wind farm) chậm chạp yên ả. Ngồi ngắm cảnh vật trôi dạt về phía sau từ “toa ngắm cảnh – observation car” với hai bên hông và trần toa bằng kiếng trong khi Zephyr cứ gầm gừ tiến về phía trước hay được phục vụ ba bữa ăn khá thịnh soạn và ngon miệng sáng-trưa-chiều với một thực đơn tự chọn hoặc người “tiếp viên hỏa xa – conductor” của riêng mỗi toa dễ mến giúp dọn dẹp kéo giường, chuẩn bị bình cà-phê nóng hổi thơm lừng mỗi sáng sớm hoặc nhắc nhở từng hành khách về trạm ga sắp đến để chuẩn bị xuống tàu chỉ là chuyện rất rất nhỏ thường ngày của Amtrak. Chuyện vô cùng lớn của Amtrak là chậm và trễ.

Chuyện Lớn

Thật vậy, chậm trễ, hỏng hóc là bệnh nan y trầm kha của Amtrak. Chẳng thế mà Quốc Hội Hoa Kỳ mới đây đã phải can thiệp và dự luật H.R. 769 được hai Dân Biểu Josh Gottheimer (DC-NJ) và Thomas Kean (CH-NJ) đưa ra nhằm buộc Bộ Giao Thông phải ra quy định cho Amtrak phải bồi hoàn vé tàu cho khách hàng nếu tàu bị chậm trễ quá ba giờ hoặc phải hủy chuyến đi do lỗi của Amtrak. Theo bài viết trên trang mạng “Railway Supply,” Amtrak vướng vào nhiều trở ngại cho dù được sự tài trợ của liên bang vẫn không hay chưa cải thiện được một cách khả quan triệt để: hạ tầng cơ sở cổ lỗ, đầu máy kéo các toa quá cũ, thiếu cơ phận thay thế, phải tu sửa thường xuyên, thêm vào đó là đường sắt dùng chung với tàu kéo hàng - freight train thì chỉ cần một bên có vấn đề là bên kia phải ngưng chờ. Chờ một hay hai tiếng đến có khi hàng nhiều giờ. Một lý do nữa được bài viết đưa ra là không chừng việc quản lý thiếu hữu hiệu đưa đến Amtrak phải gặp nhiều vấn đề nan giải. Tóm lại phải cải thiện hệ thống điều hành từ cốt lõi của Amtrak đến nâng cấp đường ray, toa xe, chuyển đổi đầu máy chạy dầu diesel sang điện khí hóa cùng nhiều vấn đề khác để thích hợp với đường lối tinh giảng cơ cấu và tiết kiệm ngân sách của chính quyền hiện tại, đồng thời phục vụ khách hàng hữu hiệu hơn. Amtrak đã có kế hoặch chuyển sang loại tàu nhanh - bullet train, vừa êm vừa rút ngắn thời gian chạy và rất hạp với môi trường xanh hiện đại.

Không thể chối cãi, cũng không thể dẹp bỏ Amtrak vì đó là tuyến giao thông cực kỳ quan trọng nối liền đô thị và vùng quê hẻo lánh giúp hàng vạn hành khách di chuyển, cùng lúc gìn giữ di sản thân quý của tuyến đường xe lửa đã có từ cả 40 năm trước.

Đến Bến: Chicago

Xình xịch, lắc lư, chậm trễ ở ga này, chờ ở ga kia, đổi tài ở ga nọ cuối cùng thì California Zephyr cũng hú còi lừng lững ì ạch tiến vào Chicago Union Station. Sau một hành trình dài đằng đẵng, hành khách lục tục hối hả xuống tàu, gặp gỡ, vỗ về và ôm ấp người thân ra đón ngay cửa lên xuống. Cô tiếp viên hỏa xa vội vã thu tóm rác rến, sắp xếp lại phòng ngủ roomette (có hai ghế ngồi có thể kéo thành giường hai tầng – dùng nhà vệ sinh chung) hay room (phòng ngủ giường rộng, có nhà vệ sinh + nhà tắm riêng) mà khách vừa rời đi. Nhân viên Amtrak lại vẫn công việc thường ngày như mọi ngày xúm xít tu bổ, quan sát từng toa tàu, chăm chú từng bộ phận của đầu máy để rồi ngay ngày hôm sau California Zephyr 6 được đổi tên gọi thành California Zephyr 5 chạy ngược trở lại từ Chicago đến Emeryville.

Đến giờ khởi hành, còi tàu rú lên, vang dội.

“ALL ABOARD!”

                                     Bài viết đăng trên HuuTri.org 03/15/2025

No comments:

Post a Comment