Saturday, November 9, 2024

Bienvenidos al El Malecón

Đức Hà

PUERTO VALLARTA (Mexico) – Hừng sáng. Mặt trời vừa ló dạng ở mãi tận chân trời thăm thẳm. Từ đỏ chuyển sang vàng rực, chiếu sáng cả vùng trời còn ngái ngủ. Sóng vỗ rì rào, gió thổi vi vu nghe như tiếng nhạc nhẹ trữ tình. Một vài du khách thức sớm hoặc khó ngủ đã thấy rảo bước, nhẹ nhàng, thư thái trên bãi biển với rong rêu lẫn với cát và sỏi đá. Thế rồi bất ngờ một người nam đang nắm tay người nữ dắt đi bỗng ngưng lại. Người nam quỳ một chân xuống, với hai tay chấp vào nhau đưa lên cho người nữ đầy vẻ sững sờ, ngạc nhiên có phần hốt hoảng. Nhưng thích thú. À ra thế - anh chàng nọ đang van xin, cầu khẩn được cưới nàng làm vợ, dưới ánh mặt trời lên cao làm chứng nhân. Trên có mây trời, dưới có biển và cát, không rõ chàng hứa hẹn điều gì, cam kết bao nhiêu thứ nhưng ít ra cũng phải thề nguyện cùng nàng vui xới hạnh phúc không dưới 100 năm – chỉ thấy sau đó nàng ôm choàng lấy chàng và tíu tít. Hai người nay chỉ còn một, quấn quít trên sóng biển tràn lên ướt cả chân. Vẫn chưa hết, một cô gái trong váy rộng đỏ chót dài lướt trên thảm cát - từ đâu đó xuất hiện, vừa đi vừa kéo tiếng nhạc trên cây vĩ cầm nâu sậm. Thì ra anh chàng nọ đã chuẩn bị sẵn - rất tinh tế, nguyên cả vở kịch cầu hôn – từ khung cảnh lãng mạn của một buổi sáng còn ướt hơi sương, chiếc nhẫn (chắc phải là hột xoàn trong suốt) và cả âm thanh du dương để chiêu dụ người tình. Khách tản bộ cảm thấy vui lây vì hạnh phúc của hai người không quen – rủ nhau vỗ tay chúc mừng. “Buena Felicidad” họ nói vậy. Thánh đường “Our Lady of Guadalupe” cổ kính với vương miện trên tháp chuông vươn lên cao, chỉ cách đó 10 phút, liệu hai bạn trẻ, hai trái tim đang đập cùng một nhịp có cùng đến để được ban phép lành và nhận bí tích hôn phối không thì chỉ hai người đó biết. Tuy nhiên theo ca dao thời nay thì “cưới vợ phải cưới liền tay - chớ để lâu ngày thành vợ ... người ta.”




Đó là hình ảnh đẹp hơn cả tuyệt vời trên thế gian này, được nhìn thấy vào một buổi bình minh trên bãi El Malecon ở Puerto Vallarta. Nếu Vũng Tàu có Bãi Trước, Bãi Sau riêng rẽ vì vị thế địa dư thiên nhiên, thì bãi El Malecon gom luôn cả hai thành một – trải dài dọc theo thành phố biển. Từ tĩnh lặng, thơ thới, lặng sóng đến ồn ào náo nhiệt năng động sầm uất với những đợt sóng lớn, dữ dội, dập liên tục vào bờ tạo thành những mảng bọt trắng xóa. El Malecon chia sẻ niềm vui sóng vỗ với mọi người, mọi sở thích. Vậy thì ở tuổi hưu trí nhàn hạ nếu không bận rộn vì ba NẾU: nếu không phải trông cháu ngoại/nội – nếu không đau ốm bệnh tật đi thăm bác sĩ như cơm bữa và nếu tiền hưu kha khá (không phải ngửa tay xin con) thì còn chuyện gì làm nữa ngoài việc luyện phim bộ Hàn Quốc và du lịch. Thật vậy, chỉ khoảng ba giờ bay từ San Diego – bay ngang Cabo San Lucas, là đến khu du lịch Puerto Vallarta (PVR) nổi tiếng của Mexico. Một loạt khách sạn lớn nhỏ được xây dựng quy mô dọc theo tuyến đường chính của thành phố đi từ phi trường ra, không hề làm mất đi vẻ đẹp nên thơ, như chốn bồng lai mà phần lớn nhà ở vẫn được duy trì như nguyên thủy. Người Mễ thích màu sắc chói chang rực rỡ, nhà cửa của họ cũng được sơn phết như vậy với đỏ, xanh lá cây, trắng y như sắc màu y phục truyền thống của họ.


Tuy bãi El Malecon có đoạn cát trắng mịn, sóng nhẹ lăn tăn, nơi khác sóng dữ dằn hơn, đầy sỏi đá nhưng khách có thể tắm lội hay chỉ ngâm mình bất cứ nơi nào tùy thích – chỉ có những ghế dài, có dù che được dành riêng cho khách của khách sạn sát cạnh. Thi thoảng cũng có hàng rong bán kiếng mát, quà lưu niệm, nón rộng vành hay bóng có hình thú vật cho trẻ – nhưng không thấy hàng rong chào mời thức ăn đồ uống. Khách muốn thưởng thức đặc sản chính hiệu Mễ như tacos, salsa, empanadas, quesadillas, tamale …nhâm nhi với tí Margarita, Michelada hay uống cốc bia Michelob, Corona hay Modelo .. thì phải mời quá bộ lên quán – cũng ngay đó thôi. Phải nói là hằng hà sa số, vô cùng nhiều quán, chạy dài san sát với lộ chính. Họ chào mời khách du lịch từ tốn không ồn ào vồn vã níu kéo đến khiếp đảm như lúc ở phi trường ra. Thôi thì cứ vào thử một quán làm vài ly vàng óng ánh xủi bọt cho đã cơn khát rồi lại tiếp bước dưới ánh nắng chói chang nóng bức. Và có điều rất lạ là cứ đi vài bước lại thấy một tiệm thuốc tây. Bảng hiệu đề chữ “botica hay farmacia” chính là hiệu thuốc tây, bán tự do không toa tất cả không chừa loại thuốc nào, có loại rẻ nghe nói hơn đến 80% giá Mỹ. Hỏi ra mới biết dân du lịch là khách hàng sộp của mấy tiệm botica. Sen lẫn với quán ăn, tiệm uống là những cửa hàng quà lưu niệm, tiệm nữ trang, quần áo, giầy dép và hàng thủ công lạ mắt. Đâu đó cũng thấy một đôi phòng trưng bày tranh của các nghệ sĩ dân gian gìn giữ tô vẽ nét đẹp văn hóa Mễ. Vì khí hậu nhiệt đới của PVR nóng và nực nên khách sẽ thấy các baños - nhà vệ sinh công cộng, để phục vụ các “nhu cầu thiên nhiên”của khách sau khi chén chú chén anh, hơi bị nhiều. Nếu trong tiếng Anh có nhiều chữ để gọi cái phòng nho nhỏ để dùng vào việc rất riêng tư như toilet, bathroom, restroom, washroom, lavatory, WC … thì ở Mễ chỉ thấy có một chữ: baños (đọc là ba-nhồ). Chỉ cần chi vài pesos là êm ắng nhẹ người để lại “zô” tiếp. Nên nhớ luật lệ ở Mễ cũng hệt như ở Mỹ lái xe trong tình trạng say xỉn sẽ bị phạt nặng.


El Malecon viết chữ thường trong tiếng Anh là boardwalk, đường lát gỗ chạy dọc theo biển cho khách bộ hành. Người Mễ viết hoa El Malecon để đặt tên cho cả một vùng biển – điểm nhấn của PVR, trải dài hơn một mile từ vùng Centro đến cây cầu xây nhô ra biển “Muelle del Playa Los Muertos - Los Muertos Beach Pier.” Nếu đã đến PVR không thể bỏ qua El Malecon. Hệt như đã ghé Nam Cali thì bắt buộc phải đến Bolsa ăn bát phở – được cho là ngon hơn cả phở từ quê hương bỏ lại. El Malecon không có boardwalk lát gỗ như tên gọi mà là đường trải đá cuội khá là gập ghềnh. Để trang điểm cho bờ biển là một loạt những tượng đồng đen to lớn của nhiều nghệ nhân Mexico với nhiều ý nghĩa đôi khi lạ lùng khó hiểu, thường được lấy từ truyện cổ Mễ-Tây-Cơ. Các nhà điêu khắc đã dựa vào những nhân vật cổ tích từ ngàn xưa để truyền tải vào tượng đồng mỹ thuật. Tổ điểm thêm cho con đường boardwalk là những nghệ sĩ đường phố biểu diễn loại nhạc mariachi truyền thống Mễ, với cây đàn thùng đặc trưng. Một pha biểu diễn ngoạn mục, hồi hộp đến (gần) nghẹt thở – chỉ có ở Malecon: “Danza de los Voladores - Dance of the Flyers” cực hay nếu kể ra sẽ hết hay – spoiler. Và tại một đoạn nọ, có một lão ông được tạc tượng bằng cát, tay có chén rượu, cạnh bàn cờ vua (chess), thêm chiếc ghế bỏ trống. Ông ta ngồi chờ khách đi ngang, ghé vào đi một nước cờ với ông.


Lão Ông & Bàn Cờ


Đảo quốc Cuba có biển, có ngư ông Santiago, có con thuyền, có đàn cá mập hung dữ được viết lại trong “Ông Già và Biển Cả” thì El Malecon có lão ông quần áo chỉnh tề, đầu đội nón, một cái ghế và bàn cờ vua chơi dở dang. Trong tay ông cầm ly đưa lên nửa chừng – ngay bên cạnh có cái chai (chắc là tequila). Tôi đứng khá lâu, nhìn ngắm người tượng cát, màu nâu sẫm. Lưng qua ra hướng biển. Có thể là tượng xi-măng hay thạch cao, rồi được phun cát nâu bao bọc chung quanh – để trở thành một pho tượng cát. Tôi lấy máy hình giơ lên chưa kịp bấm thì thấy lão ông bỗng dưng mỉm cười. Trời đất! Không phải tượng đất mà là người thật. Ông ngồi bất động, hàng giờ, hàng ngày, sáng trưa chiều như thế để làm cảnh cho khách chụp hình kỷ niệm. Khi ông cười nhẹ thì tôi nói “Hô-Là,” ông chớp chớp đôi mắt ra điều hiểu ý. Ghẹo ông thêm bằng cách tôi giả bộ cầm ly không khí đưa lên miệng, ông cũng nâng ly của ông lên kề vào miệng, từ tốn như người máy robot – rồi cười. Tôi chấp tay, cúi chào cám ơn, nói vội tiếng Mễ giọng Bắc Kỳ đi tàu há mồm “Bu-En-Đìa (Buen Día) – Chúc ông một ngày tốt lành.” Ông đáp lại, nghiêng đầu khe khẽ. Không rõ lão ông hiểu hay chỉ xã giao vui lòng khách đến vừa lòng khách đi cho được việc. Ngay bên dưới chân ông là cái thùng có khe hở với hàng chữ TIPS– cũng nặn bằng cát, để khách nào có nhã ý thì bỏ vào vài đồng pesos ủng hộ ông già.


Tôi rời bước đi, bỗng nhiên nhớ lời mẹ dặn rằng sáng sớm ra đường mà gặp đám cưới là xui – sáng sớm nay chỉ là cầu hôn, cũng chưa phải là dạm ngõ, chắc không hề chi. Với ý nghĩ lạc quan đó, tôi rời bước tiến về hướng cây cầu đá xây nhô ra biển mang tên khá rùng rợn “Muelle de Playa Los Muertos – Bến Của Người Chết.” Tra cứu thêm gu-gồ cho biết ngày xa xưa nơi đây là nghĩa trang của thổ dân địa phương, và khi di dời người ta đã đào được nhiều xương cốt. Tuy các mộ phần đã được dời đi nhưng tên gọi vẫn còn. Cầu đá el malecon không thẳng như Santa Monica Pier hay Santa Cruz Wharf ở Cali mà được kiến trúc vòng vo một chút và kết thúc bằng cánh buồm khổng lồ. Khách có thể tản bộ, ngắm nhìn biển, nghe sóng vỗ vào chân cầu, hít thở không khí trong lành mặn mà của đại dương và mơ màng về một tương lai vu vơ nào đó. Cuối cầu – được biết là khá sâu, là bến đỗ ghe máy dành cho khách muốn ra khơi ngắm cá bay lượn. Rất có thể khi ra biển rộng lại gặp oan hồn lão ngư ông Santiago lênh đênh trên còn thuyền nhỏ và bị bầy cá mập đeo bám rỉa mồi (?) Nơi đây cũng có jet ski cho thuê hay có ca-nô kéo dù cho môn paragliding dành cho khách không sợ độ cao và sức khỏe cực tốt.


Puerto Vallarta không chỉ có El Malecon hay các thánh đường cổ kính mà còn có “Khu Phố Cổ – Centro Vallarta,” vườn sinh thái “Jardin Botanico Vallarta - Vallarta Botanic Garden” nổi tiếng là nơi kết hợp tất cả các loài cây, hoa, trái của Mễ. Nơi này còn ươm và gìn giữ hàng trăm loại phong lan muôn màu sắc. Cách đó không xa là “Jardin Mágico's Butterfly Sanctuary” nuôi dưỡng trên ba ngàn loại bướm thuộc 20 chủng loại khác nhau. Một nơi khác để khám phá là những ngôi làng thôn xóm của nông dân chen lẫn trong rừng cây lá dọc theo con sông Cuele Rio lững lờ. Đôi khi còn gặp mấy anh cao-bồi Mễ – vaqueros, đội nón rộng vành sombrero, trùm khăn poncho màu sắc đủng đỉnh cỡi ngựa vẫn thường được mang hình ảnh không mấy tốt đẹp trong phim ảnh Hollywood. Khách cứ yên tâm bên hông mấy chú vaqueros chỉ có cuộn dây thừng, không có lủng lẳng khẩu súng ngắn như phim đâu. Rời khỏi miền “viễn tây” PVR, khách du ngoạn trở lại với cuộc sống nhộn nhịp vui tươi của mấy sân khấu ngoài trời nơi trình diễn âm nhạc, vũ điệu trong các lễ hội. Vào đầu tháng 11 hàng năm, người Mễ có lễ hội “Dia de los Murtos – Day Of Dead,” - ngày để tưởng nhớ người qua đời. Vào ngày đó họ không đi tảo mộ xá tội vong nhân như người Việt mà hóa trang thành các bộ xương người chết và xuống đường ca hát nhảy múa. Họ nói đó là dịp để cái sống và sự chết gặp nhau vui chơi bông đùa – bởi vì trước sau thế nào cũng có ngày gặp nhau. Lẽ dĩ nhiên gặp ở thế giới bên kia, cõi bồng lai tiên cảnh gì đó - nghe đồn tốt đẹp hơn thế gian hiện hữu. Đã có ai đi rồi trở về lại kể cho nghe mà biết đúng sai.


Quả vậy, El Malecon ở Puerto Vallarta có bao nhiêu thứ để xem, bao nhiêu nơi để đến mà thời gian lại hạn hẹp. Khách có thể chìm đắm trong thế giới nghệ thuật, trong âm thanh rộn ràng, trong cuộc sống hồn nhiên sống động hay tĩnh lặng của thôn xóm PVR, một dấu ấn đậm nét khó quên - nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng nên nhín chút thời gian nhấm tí tequila cho quên sự đời.

*Bienvenidos al El Malecón - Chào Mừng Quan Khách Đến El Malecón

                                                     Bài viết được đăng trên HuuTri.org 11/09/2024


No comments:

Post a Comment