Đức Hà
Việt Mercury
An nghỉ giấc ngàn
thu trên đất mẹ hay theo truyền thuyết thời vua Hùng rải tro trên núi và xuống
biển là điều trăn trối cuối cùng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trước khi lìa
trần ngày 29 tháng Chín, 2001 vừa qua ở Boston.
“Tôi mong có dịp về
lại Việt Nam thăm mồ mả ông bà và mang tro cốt của ổng về khi đất nước bình
yên; Ông Già có trối rằng nếu được thì đem chôn tại quê ông ở Phan Rang, Ninh
Thuận nếu không thì rải một nửa xuống biển và một nửa trên núi,” bà Nguyễn Văn
Thiệu đã nói như vậy về ước vọng của bà như một phụ nữ Việt Nam bình thường
không quên ơn tổ tiên dòng họ.
Lần đầu tiên người
ta được biết thêm đôi chút về gia đình cựu nguyên thủ Việt Nam Cộng Hòa kể từ
khi hai ông bà và những người con ra khỏi Dinh Độc Lập tháng Tư năm 1975 để
sống ẩn dật tại bên ngoài thành phố Boston, Massachusetts.
Từ hơn 26 năm nay
người ta không được biết gì nhiều cho đến khi ông bất ngờ qua đời cách nay 100
ngày với một đám tang lớn gây ngạc nhiên cho cả vùng Boston. Ông mãn phần ở
tuổi 78.
Bà Nguyễn Văn Thiệu
đến San Jose
cùng với hai người con, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Thiệu Long, để dự lễ Tuần
Bách Nhật cố Tổng Thống Thiệu do Hội Đền Hùng Hải Ngoại cùng với nhiều hội đoàn
Vùng Vịnh phối hợp tổ chức. Hơn 500 người đã đến dự lễ trong đó có nhiều chính
khách, quan chức chính quyền và tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
Nếu so với những bức
hình chụp chung khi ông còn sống thì bà Nguyễn Thị Mai Anh, năm nay 71 tuổi quê
ở Mỹ Tho thuộc một gia đình Công Giáo khá giả, không thay đổi bao nhiêu khi bà
xuất hiện tại San Jose cuối tuần vừa qua. Một phụ nữ cố tình đến hội trường
American G.I. Forum trên đường Story chỉ để nhìn bà cho biết, có nói rằng “bả
đẹp và sang quá.”
Dáng người thấp,
tròn trịa, mái tóc bạc trắng chải gọn ghẽ, một tướng đi khoan thai và giọng nói
nhỏ nhẹ chậm rãi, bà Mai Anh trong chiếc áo dài gấm đen có điểm những chữ thọ
trắng, là cái đinh của buổi lễ.
Khách đến với bà
đông đảo và vẫn trân trọng bà như là phu nhân của người từng nắm nhiều quyền uy
của đất nước với lập trường chống cộng đến cùng chứ không phải như vợ của một
lãnh tụ bị thất sủng về vườn. Tuy vậy nếu với bạn bè thân thiết trong nội các
cũ của chồng, bà chuyện trò cởi mở thì với báo chí bà tỏ ra ngần ngại và e dè.
Ngay cả khi được mời lên tiếng cám ơn quan khách tại buổi lễ bà cũng nhường cho
trưởng nữ Tuấn Anh. Cho đến buổi chiều tại đền Quốc Tổ và sau nhiều lần nài nỉ
câu trả lời của bà vẫn là “thôi cho tôi miễn đi, tôi có biết gì đâu mà nói.”
Nhưng sau cùng thì
bà cũng nhận lời cho chương trình truyền hình Diễn Đàn Việt Nam , chương
trình phát thanh của cộng đồng người Việt và Việt Mercury một vài phút tâm
tình.
“Chỉ nói chuyện gia
đình thôi nha, tôi không biết chuyện chính trị gì đâu,” bà dặn trước.
“Việc ổng đi đột
ngột cũng làm cho gia đình hơi bối rối; mới hôm trước ổng đi khám bác sĩ cho
thấy tim mạch đều tốt mà qua ngày hôm sau áp huyết tăng cao đưa đến hôn mê rồi
ổng đi luôn sau khi cho biết bị nhức đầu quá.”
“Bây giờ thì tinh
thần ổn định rồi, con cái cũng dắt đi đây đi đó khuây khỏa,” bà nói.
Trong suốt buổi lễ
với phần nhắc lại tiểu sử của chồng cùng những đoạn phim thời sự, người ta chỉ
thấy Tuấn Anh nhiều lần thấm nước mắt và phải lấy kiếng đen ra đeo còn bà Mai
Anh tỏ ra bình tĩnh hơn nhưng ngồi bất động trên chiếc ghế sắt như mọi người
khác chứ không được dành riêng một cái ghế bành trịnh trọng như vẫn thường thấy
khi bà còn là Đệ Nhất Phu Nhân VNCH.
“Ông Già làm gì,
liên lạc với ai, mấy mẹ con tôi không biết gì đâu,” bà kể lại về những sinh
hoạt của ông Thiệu khi sinh sống tại vùng Boston .
Bà cho biết Ông Già là tên gọi thân mật trong gia đình.
“Tôi có hỏi thì ổng
chỉ nói ‘Có gì đâu chỉ nói chuyện với bạn bè thôi. Ổng kín đáo lắm, tôi hoàn
toàn không biết gì nhưng với vợ con thì Ông Già rất vui vẻ tử tế.”
Bà nói thêm rằng
chồng bà không chỉ kín đáo trong việc làm mà ngay cả trong tình cảm ông cũng
kín đáo và theo phong tục cổ xưa.
“Các con hay hỏi tôi
rằng sao không thấy ba hôn mẹ hay nói điều gì âu yếm với mẹ; tánh ổng vậy đó,”
bà nói.
Lúc còn cầm quyền
ông Thiệu được xem là người nhẫn nại, thận trọng và mưu trí.
Trước năm 75 người
dân Sài Gòn còn đồn đãi nhau về những chuyện buôn lậu tham nhũng bên cạnh chuyện
ông Thiệu có liên hệ tình cảm với một vài ca sĩ và cả với một chủ nhà hàng ăn
bên ngoài Sài Gòn. “Tất cả cũng chỉ là những tin đồn, không ai biết thực hư ra
sao,” theo lời một nhân vật thân cận trong chính quyền trước đây không muốn nêu
danh tính.
“Bà là một người
đứng cạnh chồng, một người chỉ biết lo cho gia đình, không phải người của quần
chúng.”
Người này còn công
nhận bà Thiệu là người đáng kính, không có cái kênh kiệu vênh váo của một người
có quyền thế. Thỉnh thoảng và cũng rất ít, bà xuất hiện đi ủy lạo cho thương
bệnh binh và chưa hề tuyên bố một điều gì.
Vì thế việc bà nhận
trả lời phỏng vấn của báo chí mới hôm Chúa Nhựt vừa qua là cả một sự phá bỏ
thông lệ bà vẫn giữ từ xưa đến nay.
Bà Mai Anh cho hay
“Ông Già rất khắt khe trong việc dạy dỗ con cái, ổng theo xưa chớ không chịu
lối giáo dục phương Tây.”
Cũng vì thế người
con trai út, Nguyễn Thiệu Long sinh bên Anh năm 1976 nói tiếng Việt rất rành.
Nếu có ai tưởng lầm, hỏi chuyện bằng tiếng Anh mới thấy Long trả lời sành sõi
bằng tiếng Việt, tuy phát âm không rõ lắm.
Chị lớn của Long,
Tuấn Anh, người con gái từng làm cả Sài Gòn phải chú ý khi thành hôn trong một
đám cưới quy mô tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn và dạ tiệc tại nhà
hàng Caravelle năm 1973, cũng có mặt ở San Jose.
Với một chiếc áo dài
đen, dáng người thấp và mảnh khảnh, Tuấn Anh luôn luôn đi sát mẹ tại buổi lễ
cũng như tại Đền Hùng trên đường số Chín. Việt Mercury cố hỏi cô một vài câu
thì cô chỉ cười rồi chỉ tay sang mẹ Mai Anh.
Hỏi bà Thiệu rằng
sao gia đình lại chọn Boston
thay vì ở vùng có khí hậu ấm áp hay nơi có đông đảo người Việt cho bớt nhớ nhà.
Bà đáp:
“Ổng nói rằng ở xa
xa đặng thở cho dễ.”
Ông bà Thiệu có ba
người con ruột, hai trai và một gái; người con gái nữa trong gia đình, Nguyễn
Thị Phương Anh, là con của anh ông Thiệu mà hai ông bà nhận về nuôi khi mẹ ruột
Phương Anh qua đời. “Cháu nó coi tôi như mẹ ruột vậy,” bà cho biết.
Lúc đầu cả gia đình
sang sống tại Đài Loan, nơi trước đó anh ông Thiệu - Nguyễn Văn Kiểu làm đại
sứ.
Sau khi con trai thứ
hai, Nguyễn Văn Lộc sang Anh học thì cả nhà lại sang sống tại London, Anh quốc
cho đến khi mấy người con sang Mỹ tiếp tục học vấn thì cả nhà cũng đến định cư
tại Boston năm 1985 và bà Mai Anh nói rằng sẽ ở tại đó luôn cho gần con cái.
“Thôi ở đó luôn, chớ
dọn nhà không nổi đâu.”
Buổi lễ tại hội
trường trên đường Story diễn ra long trọng với nghi thức tế lễ đầy đủ theo
phong tục cổ truyền Việt Nam
với tiếng trống tiếng chiêng và nhiều quan khách Việt Mỹ tham gia.
Bữa cơm tối tại Quốc
Tổ Vọng Từ thì đầy những thân tình ấm áp của một buổi họp mặt bằng hữu với mâm
cỗ bình dân như gà luộc chấm muối tiêu chanh, đồ xào bóng da heo, dưa cải chua,
canh măng nấm đông cô và xôi chè.
Tuy vậy vào lúc sáng
ở bên ngoài hội trường hành lễ cũng có một phụ nữ đơn độc phân phát đến mọi
người bức thư ký tên Nancy Trần và một số điện thoại ở San Jose với nội dung đả
phá việc làm của Hội Đền Hùng là “ngu xuẩn, thiếu suy nghĩ” và gọi ông Thiệu là
“tội đồ của dân tộc Việt Nam.”
Sau ngày 30 tháng
Tư, 1975 ông Thiệu đã bị chỉ trích nhiều nhứt và bị coi như người phải gánh
chịu tất cả trách nhiệm khiến Miền Nam sụp đổ đưa đến việc cả triệu người phải
bỏ nước ra đi.
Vào những ngày cuối
đời, Tướng Dương Văn Minh có cho biết muốn về an nghỉ vĩnh viễn tại quê nhà
trước khi qua đời, giờ đây người ta lại biết thêm Tướng Nguyễn Văn Thiệu cũng
có ước muốn tương tự.
Không ai biết đến
bao giờ hai ông mới về lại được quê hương, nơi mà có lúc một nửa phần đất nước
hiện nay nằm trọn trong tay hai ông.
Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 155 ngày 11 Tháng Giêng 2002
No comments:
Post a Comment