Đức Hà
Đầu tiên để được đảng Cộng Hòa đề cử, ông Trump phải đấu
tranh đánh hạ 16 đối thủ cực kỳ "nặng ký". Phải nói thật là 16 nhân
vật kia đều là những tay lão luyện trong ngành hành pháp hay lập pháp: nếu
không từng là Thống Đốc thì hiện cũng là Thượng Nghị Sĩ ngoại trừ một bác sĩ
hưu trí là ông Ben Carson. Duy nhứt chỉ có hai doanh nhân là bà Carly Fiorina -
từng làm CEO của HP, và ông Trump. Hỏi một thường dân gốc Việt xem có ai biết
Donald Trump không thì câu trả lời đại khái chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu: "Ông ta
là đại gia, là chủ khách sạn, ai đi Vegas đều thấy khách sạn màu vàng chói của
ông."
Nói như vậy để thấy rằng ông Trump được đánh giá không mấy
chính xác chỉ là người có tiền của, là chưa đánh đã thua, chưa thi đã rớt - nói
theo ngôn ngữ nhập từ quê nhà đưa qua là "thua ngay từ khâu gởi xe."
Nói vậy mà không phải vậy. Ông Donald Trump là cả một nguồn năng lực dường như
vô bờ bến, một đầu óc bén nhậy sắc sảo và mưu trí, một tài năng chưa bột phát,
chưa có dịp thi thố từ trước đến nay trong vai trò lãnh đạo công quyền. Ít ra
là cho tới nay người ta phải công minh mà suy xét như vậy. Nếu không thì ông đã
bị lọt sổ ngay từ thủa ban đầu tức thời kỳ tuyển chọn sơ bộ - primaries, năm
2015 rồi.
Sau khi được đảng đề cử, ông lại phải chạy đua thi thố tài
năng với ứng viên khổng lồ của đảng Dân Chủ là cựu Ngoại Trưởng Hillary
Clinton, người vai vế với hồ sơ lý lịch dày cộm. Nếu thi tài với Bernie Sanders
thì khả năng thắng tương đối nhưng thi thố với bà Clinton chắc chắn phần thua phải về ứng viên
Trump - người bị tố giác đủ thứ bê bối suốt từ hồi trai trẻ cho đến tận ngày hôm
nay. David đấu với Goliath: Được hầu như toàn bộ hệ thống truyền thông dòng
chính (thiên tả) hậu thuẫn tối đa, được phu quân là cựu Tổng Thống Clinton lẫn Tổng
Thống Obama hết lòng ủng hộ, đương kim Đệ Nhất Phu Nhân cũng không ngớt lời cổ
võ động viên, và trên hết được cử tri khắp USA sẵn sàng đóng góp tiền bạc và
nhân lực cho quỹ tranh cử và hậu thuẫn cả hai tay ... và nhiều điều tích cực
nữa. Chưa hết, ngay cả một số đồng chí đồng đảng Cộng Hòa với ông Trump cũng
chém vè. Tất cả 100% thăm dò trước ngày Tám tháng 11 đều khẳng định ứng viên có
chủ trương Stronger Together dứt khoát phải thành công, thành công, đại thành
công. Ấy vậy mà thua. Đau.
Hoạn Lộ
Không hanh thông. Sự thật đúng như vậy, như mọi người đều
thấy cho dù phe Dân Chủ hay Cộng Hòa. Kết quả chung cuộc của Tổng Tuyển Cử cho
thấy ông Trump thua bà Clinton
đến gần ba triệu phiếu. Số cách biệt quá lớn cho thấy cử tri Mỹ rất muốn có một
nữ tổng thống. Tuy nhiên ông Trump lại thắng nước rút nhờ hệ thống bầu cử quy
định rằng phiếu bầu của Cử Tri Đoàn mới là quyết định sau cùng. Ông được 304
phiếu và bà Clinton
được 227. Người dân đi bầu - không phải toàn thể nhân dân Mỹ, đã nói tiếng nói
của mình qua lá phiếu. Sự thật không tranh cãi là dàn phụ tá, cố vấn trong chiến
dịch tranh cử của ông Trump quá xuất sắc, dùng thế yếu về tài chính và nhân sự
để đánh vào sơ hở là quá tự tin quá kiêu của đối phương để ghi bàn. Phía ông
Trump mai phục và trường kỳ kháng chiến ở vùng xưa nay vốn là những bang lưng
chừng - swing states. Báo mạng The Federalist ở Virginia phạng một câu điếng
người: "Chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton thất bại không phải vì
Nga, FBI, hay tin giả hiệu, nhưng bởi một loạt những quyết định sai lầm khó đỡ
của giới chóp bu ở Brooklyn." Đó là cây đinh cuối cùng đóng chặt nắp hòm. Trong
khi đó ông Trump ở vị thế dưới cơ lại sử dụng chiến thuật - cứ tạm gọi lấy nhu
thắng cương cộng với lối phát biểu bạt mạng, gặp đâu nói đó nhưng đánh đúng tâm
lý những điều người dân trung lưu muốn nghe. Báo chí cứ thế khai thác triệt để,
có dè đâu càng khai thác, càng bôi bác thì ông Trump càng được chú ý, càng nổi
đình đám hơn. Chính những người bị bỏ quên đó vùng Rust Belt đã chọn ông Trump.
Quả là khôn.
Như vậy tưởng như ván đóng thuyền chờ ngày tuyên thệ nhậm
chức? Không hẳn thế. Đầu tiên là biểu tình xuống đường rầm rộ xô xát đổ máu đều
khắp với biều ngữ “Not My President” ngay sau ngày Tám tháng 11. Kế đến là hai
chuyện: kiểm phiếu ở các bang quyết định then chốt và thỉnh nguyện thư sửa luật
bầu cử - chủ yếu là bãi bỏ Electoral College. Lại bao nhiêu công sức, tiền của
đổ vào chuyện - mới nghe thì đúng, nhưng nhìn kỹ lại thì sai ngay từ đầu. Ứng
viên thuộc đảng Xanh mở chiến dịch quyên góp tiền bá tánh để chi trả cho phí
đếm phiếu lại chỉ đạt không đầy 1,5 triệu phiếu phổ thông thì không có lý do gì
để đòi kiểm phiếu. Thế là ông tòa phán quyết dẹp ngay. Thỉnh nguyện thư đề nghị
sửa luật bầu cử cũng chìm xuồng vì thủ tục cực rắc rối khi đụng đến Hiến Pháp
Hoa Kỳ được biên soạn từ thời lập quốc. Cho đến ngày 19 tháng 12 vừa qua khi
các đại biểu thuộc Cử Tri Đoàn chính thức bỏ phiếu chọn tổng thống và phó tổng
thống cho nhiệm kỳ bốn năm tới, người ta lại thấy dấy lên phong trào xuống
đường trước các nghị viện tiểu bang kêu gọi các đại biểu không theo quy định
winner-takes-all mà bầu theo lương tâm. Sáng kiến muộn màng này làm ông Trump
mất hai phiếu và bà Clinton
sụt thêm bốn phiếu so với kết quả ban đầu. Vết thương chưa lành lại rướm máu.
Thế nhưng chuyện đâu đã êm. Bất thình lình cả đương kim Tổng
Thống lẫn hai cơ quan an ninh xừng xỏ là FBI và CIA đều đồng thanh đồng loạt
một tiếng nói rằng Nga xâm nhập bầu cử Mỹ cố tình tạo thuận lợi cho ứng viên Donald
Trump - người được mô tả là có cảm tình với Tổng Thống Nga Vladimir Putin.
Cho đến nay chưa thấy dẫn chứng chi tiết nào về vụ hack này,
chưa thấy những phụ nữ từng cáo buộc ông Tump sàm sỡ, miệt thị tiếp tục chương
trình nghị sự; chỉ thấy ông Trump phải dàn xếp êm vụ kiện liên quan đến đại học
Trump University và hứa đóng cửa hội từ thiện Trump Foundation - cũng đang bị
điều tra. Báo chí thì vẫn gán cho ông các danh hiệu không mấy thân thiện như kỳ
thị, thành kiến Hồi giáo, bài ngoại, ghét cánh phụ nữ, phân biệt đối xử Do Thái
- racist, Islam phobic, xenophobic, misogynistic and anti-Semitic. Tuy nhiên
lại thấy lãnh tụ Tập Cẩm Bình bên kia bờ Thái Bình Dương có vẻ lo chỉ vì một cú
điện thoại với Bà Tổng Thống Đài Loan, thấy thế giới rất ư ngại ngùng khi ông
Trump có ý muốn hồi phục thế thượng phong về vũ khí nguyên tử của Mỹ. Cùng lúc
cuối năm lại thấy Tổng Thống Obama được chấm điểm cao 56% thuận lợi theo thăm
dò của viện Gallup trong khi phần lớn các vị tiền nhiệm chỉ đạt 52, 53%. Nhưng cụ
thể là dưới tám năm của ông Obama đảng Dân Chủ từ chiếm đa số ghế tại Quốc Hội
lại tụt xuống để Cộng Hòa vươn lên nắm cả hai viện và tương lai khó tránh là
luôn cả đa số trong Tối Cao Pháp Viện. Tin cho biết đảng Dân Chủ mất tổng cộng
1,042 ghế ở cấp tiểu bang, liên bang, kể cả cấp thống đốc, và sau cùng là ghế
trong Tòa Bạch Ốc.
Bốn Năm Tới
Với lối phát biểu ngắn gọn thẳng thừng hầu như chỉ qua mạng
Twitter, vui lắm thì thêm một video clip trên YouTube mà có người cho là bốc
đồng, người bảo đầy tính toán cân nhắc, đầy ý đồ mà trong thời tranh cử ông bị
gán cho danh hiệu không đủ chuẩn để làm tổng thống - unfit for president. Thế
nên người có nhìn xa trông rộng cách mấy cũng không tiên đoán nổi bước đi sắp
tới của tân Tổng Thống Donald Trump sẽ như thế nào. Liệu ông có làm sạch khu
bùn lầy nước đọng ở D.C., có cải tổ hệ thống an sinh xã hội, sửa đổi luật di trú,
bãi bỏ kế hoạch sản xuất thêm chiến đấu cơ F-35, có thân thiện với Nga, có ngăn
Trung bằng thiết lập thế mạnh của Mỹ ở Biển Đông và vv ... chưa ai dám đoan
chắc cho đến sau 20 tháng Giêng 2017.
Nhưng nếu dựa vào cuốn The America We Deserve của tác giả
Donald Trump - xuất bản năm 2000, thì đây là sơ lược vài điểm được nêu ra trong
sách:
- Về phá thai: cho phép phụ nữ được chọn lựa nhưng cấm chỉ phá thai vào tháng thứ năm hay sáu - ban partial-birth abortion.
- Về dân quyền: chủ trương đa chủng đa sắc tộc nhưng ngăn chận triệt để tội ác do hận thù giới tính, màu da, tôn giáo
- Về đối ngoại: chấm dứt trò ngoại giao trên bàn cờ tướng mà phải ngả giá, thương lượng luôn đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên hết. Cứng rắn với Trung Quốc, hậu thuẫn với Nga nhưng có điều kiện.
- Về mậu dịch: duyệt xét lại tất cả các hiệp ước mậu dịch, đặt điều kiện công bằng cho các bên ký kết.
- Về di dân: bảo vệ biên giới, ngay cả vấn đề di dân hợp pháp cũng chặt chẽ
(xem thêm chi tiết tại đây:
http://www.ontheissues.org/America_We_Deserve.htm)
Nếu tám năm trước đây tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ
thắng cử với khẩu hiệu "Change We Can Believe In" rồi tám năm sau vẫn
không có bao nhiêu đổi thay - nếu không nói là bế tắc trì trệ, nợ công tăng vọt
thì nay với một vị tổng thống tranh cử với chủ đề xóa bài làm mới lại "Make
America Great Again" thì chẳng khác một cuộc cách mạng. Liệu cách mạng sẽ thành
công chăng?
Câu trả lời là "không" theo Tổng Thống Barack
Obama - người sắp phải bàn giao Phòng Bầu Dục cho người kế nhiệm. Trong cuộc
phỏng vấn mới đây ông phát biểu nếu có nhiệm kỳ ba thì ông lại thắng lớn. Ông
nói:
"Trong chiều hướng đó thì tôi hoàn toàn tự tin và đoan
chắc rằng nếu - nếu ra tranh cử lần nữa và phát huy hết khả năng, thì tôi nghĩ
có thể huy động một đa số nhân dân Mỹ đứng sau lưng tôi."
Phản hồi của tổng thống tân cử rất ngắn và gọn, nhưng không
kém phần ngang tàng - cũng vẫn qua mạng Twitter: "No way."
No comments:
Post a Comment