Saturday, March 12, 2016

MIAMI: Vườn Cây Ăn Trái



Đức Hà
Việt Mercury

MIAMI, Fl. – Du khách Việt đến thăm Florida vào mùa hè như hiện nay không thể không chạnh lòng gợi nhớ đến những hình ảnh đầy hoài niệm và bầu không khí cùng hương vị quen thuộc của quê hương Việt Nam. Đó là cảm giác đầu tiên lúc vừa bước ra khỏi sân bay khi hơi nóng hâm hấp thổi tạt vào mặt. Khí hậu nơi đây nóng bức trên 90 và có thể dễ dàng lên đến 100 độ. Trời đứng gió, xế chiều bỗng dưng phủ mây xám rồi mưa rào xối xả mươi phút và tạnh, rồi lại tiếp tục nóng “chảy mỡ” như người Việt thường nói. Nhưng nếu khách có cơ hội dong duổi lang thang trên xa lộ dài vô tận của Florida xuốt từ Jacksonville, qua đến Orlando, rồi Fort Lauderdale, Miami cho đến tận cùng mũi Key West, thì hình ảnh tuyệt đẹp của những hàng cây phượng đỏ rực hoa càng làm cho màu xanh cây lá của vùng này thêm nổi bật và cũng làm cho khách thêm nhung nhớ đến thành phố biển nào đó của quê nhà. Khí hậu bán nhiệt đới của tiểu bang rực nắng “The Sunshine State” hệt Việt Nam với độ ẩm thấp cao làm mồ hôi ướt đẫm từ áo trong ra đến áo ngoài của khách du lịch.


Khí hậu hai mùa nắng mưa và nóng của Florida thích hợp cho trái cây nhiệt đới đủ loại, đủ giống, mùa nào thức nấy, thơm ngon như trái cây chợ Bến Thành. Thời tiết quá thuận lợi khiến một người Việt tên Nguyễn Chính, một cựu nhảy dù đã đặt câu hỏi “tại sao không thử trồng cây ăn trái Việt Nam?” khi đến định cư tại Hoa Kỳ cách nay gần 30 năm.
“Tôi không ngờ từ một lính tác chiến của Pháo Binh Dù nay lại trở thành một nhà nông chuyên nghiệp tại xứ Mỹ,” anh Chính tâm sự từ lô đất hai mẫu hơn trị giá lúc mua không đầy 200 ngàn mà hiện nay lên đến trên 1 triệu đô, nằm cách trung tâm Miami khoảng nửa tiếng lái xe về phía nam.

Khi đến định cư tại Hoa Kỳ, người Việt đã phải bươn chải nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, có người học thi lấy bằng và tiếp tục nghề cũ từng làm tại Việt Nam nhưng phần lớn đều đổi nghề và không ít người đã thành công không kém người Mỹ bản xứ.
Tuy nhiên Nguyễn Chính, năm nay 52 tuổi không nhận là đã “thành công” trong ngành nông.
“Tôi chỉ gặp may, làm thử và ăn thiệt,” anh nói xuê xòa, bình dị của người nông dân Nam bộ. Nói vậy nhưng hiện nay anh làm chủ đến 80 mẫu trị giá từ 40 ngàn đến 60 ngàn đô/mẫu tùy địa điểm, tùy hoa mầu đang trồng.
Thật ra mãi đến 1989 anh Chính mới bắt tay vào nghề trồng trọt sau khi hãng đóng tầu ở New Orleans giảm nhân viên.
“Hồi mới sang chỗ nào mướn thì xin vô làm và học hỏi chứ tui có biết gì nghề đóng tầu đâu, rồi từng bước từ thợ lên cai sau đó tui chuyển sang làm theo hợp đồng cho đến khi họ giảm người thì tui nghỉ việc.”
Chính trong thời gian này, nhảy dù Nguyễn Chính, dáng người vạm vỡ, cao 6 feet (1,8 mét) và nặng 220 pounds, mới nhìn trông có vẻ “ngầu” nhưng giọng nói lại nhỏ nhẹ thân thiện đã tham quan vùng nam Florida và nảy ra ý định mua rau cung cấp cho vùng New Orleans, Alabama and Houston, Texas vì nhu cầu cao của cư dân ở đó.
Nhiều năm liên tiếp sau đó anh cùng với một người bạn lái xe truck chạy xuyên bang đi buôn rau trái Florida.

Mua Đất Trồng Rau

Lái xe đường trường mãi cũng mỏi mệt,Nguyễn Chính bèn tính đến chuyện tự trồng. Năm mẫu đầu tiên, anh chủ yếu chỉ trồng húng quế và rau thơm. “Làm nhanh ăn gọn,” anh nói.
Rồi mua thêm đất, trồng thêm rau, và mua nhà, nhận Miami làm quê hương thứ hai cho đến khi bão Andrew đổ xuống Florida năm 1992 thì sự nghiệp ban đầu của anh bỗng dưng của thiên trả địa. Từ tay trắng anh trở thành trắng tay. Được chính phủ đền bù một số tiền, Nguyễn Chính lại đầu tư vào đất vườn, say mê với công tác trồng trọt. Chỉ vào khu vườn phía sau nhà, anh tâm sự:
“Khu đất này nguyên thủy là đất trồng trái bơ, mà diện tích quá nhỏ hơn hai mẫu huê lợi không nhiều nên tôi phá bỏ và trồng cây ăn trái nhiệt đới.”
Không chỉ trồng mít, anh còn trồng mảng cầu Xiêm, mảng cầu ta, nhãn, táo Thái Lan, vú sữa, xoài, thanh long, mận, sa-bô-chê, trái vải kể cả một cây chầm ruột mà anh nói là “chua thấu trời xanh” làm kiểng.

“Có loại tôi trồng vài chục cây bán lấy hoa lợi, có loại chỉ trồng vài cây collection cho vui nhờ vậy mùa nào cũng có trái cây tươi cho cả nhà ăn.”
Anh lập gia đình với một phụ nữ Thái tên Sopia Nguyễn và có hai con trai 7 và 8 tuổi. Anh kể:
“Hồi xưa lúc còn trong lính tôi chỉ ham chơi, mua vui trong chiến tranh, rảnh rỗi thì nhậu nhẹt cà phê thuốc lá nên không lập gia đình. Với lại sống chết không biết ngày nào nên cũng không muốn lấy vợ.”
Nhưng đến khi sang Mỹ muốn lập gia đình lại không được.
“Một người đàn ông không họ hàng không bà con thân thiết thì người ta cũng rất ngại ngùng trao thân gởi phận,” anh kể, nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, nhẹ nhàng như anh bỏ thuốc từ 30 năm nay.

Ký Ức Chiến Tranh

Quần quật một nắng hai xương, hai mùa mưa gió và … bão của Florida, hai bàn tay chai cứng, nước da rạm nắng, anh Chính không một lúc nào cảm thấy mỏi mệt. Anh so sánh:
“Mười bốn năm làm vườn, hàng ngày lao động với mấy chục công nhân, nhưng so với sự chịu đựng gian khổ trong chiến tranh thì làm farm chỉ là đồ bỏ.”
Gia nhập binh chủng dù từ sau Tết Mậu Thân vì cả gia đình đều “đi nhảy du,” đơn vị anh được điều đến Quảng Trị và đóng quân xuốt từ 1972 đến khi miền Nam bắt đầu cho di tản chiến thuật.
“Địch quân pháo suốt ngày đêm nhưng rất may mắn tôi chỉ bị ghim vài miểng nhỏ, không bị thương nặng trong khi anh ruột tôi cũng đóng tại Quảng Trị bị chết trận.”
Anh nói rằng lúc đó ai cũng nghĩ “sống chết có số, tới đâu thì tới,” nên ít ai thấy sợ. Nhưng các bạn đồng đội của anh có gia đình lại cảm thấy nhớ nhà, nhớ vợ con khi phải đóng chốt quá lâu tại miền Trung.
Tiếng đạn pháo kích, tiếng trực thăng đổ quân, tiếng hét đớn đau của người bị thương, tiếng gầm xé của phản lực cơ, tiếng bom xé tai, lửa khói mịt mù của vùng hỏa tuyến giờ đây chỉ còn để lại trên cánh tay phải của anh một vết xâm: hình một con rồng quấn quanh con dao găm.

“Công việc bề bộn lắm, nào là chăm sóc, bón phân, tưới tiêu, diệt sâu rầy, sủa chữa các dàn máy cày, xới, rồi thu hoạch trái cây, đóng thùng và ship đi các nơi … làm hoài cũng không hết, thành ra tui cũng ít có dịp tham gia các hội đoàn người Việt ở Miami.”
Rồi đến cuối tuần, vợ chồng con cái gia đình Nguyễn Chính chẳng cần đi đâu xa vì ngay trong vườn mít sau hè, anh đã giành một khu đất để picnic cắm lều, mắc võng đu đưa an hưởng không khí ngoại ô yên tĩnh. Anh còn tự xây một hòn non bộ với nước róc rách chảy và một căn chòi lá để ngồi ngắm cá vàng bơi đùa. Chưa hết, cạnh đó là khu vườn lan với hàng trăm chậu lan hiếm nhiều màu khoe sắc tỏa hương.
“Vui thú điền viên, gia đình tui cũng ít đi biển,” anh nói.

Hỏi về những nhà trồng tỉa gốc Việt khác anh cho biết:
“Trong vùng còn có bốn, năm người Việt ở về phía nam Miami chuyên trồng rau nhưng với diện tích khiêm nhường hơn. Còn lại phần lớn người Việt Florida sống rải rác và đi làm nail hay làm trong Disney World và cũng mua nhà to như bên Cali vậy. Người từ Cali, rồi Tampa, Orlando người Việt cũng rủ nhau  kéo về đây ngày càng đông.”
Chỉ cách khu vườn mít của anh Chính, vài phút là khu nhà mới, đang xây dựng với giá bán chỉ khoảng 300 trăm ngàn nhưng đồ xộ và rộng bằng căn nhà 1 triệu tại Thung Lũng Điện Tử.
Đất Florida yên lành, nhà rẻ vậy người Việt có nên tập trung về đây làm vườn trồng cây ăn trái không?
“Lúc đầu cực lắm, chịu không nổi đâu, nếu phải bắt đầu lại tui cũng không dám,” anh khuyên.

                                      Bài phóng sự được đăng trên Viet Mercury số 287 12/15/2005

2 comments:

  1. Vườn trái cây của ông Chính Nguyễn:
    12880 SW 208th St, Miami, Florida, 33177
    (305)310-6294

    ReplyDelete