Tuesday, October 20, 2015

Hạt Gạo Xanh



Đức Hà

Jenny Đỗ
Jenny Đỗ là một luật sư. Từ 9 đến 5 và năm ngày một tuần, Jenny bảo vệ quyền lợi lao động cho khách hàng.
“Jenny học luật vì tính thương người khi người gặp bất công, nghịch cảnh và cần người biết luật để giúp đỡ và tranh đấu.”
Jenny nói rằng cô cảm thấy thật hạnh phúc khi đại diện để nói tiếng nói cho những người không có tiếng nói.
“Jenny thích tiếp xúc và thích làm việc với con người,” cô tâm sự bằng một giọng nói quả quyết và nhiệt tình.

Đặng Phương Thanh
Đặng Phương Thanh là một nghệ sĩ sáng tác. Bằng cây cọ, bột màu, khung vải và giá vẽ, Phương Thanh giải tỏa cảm xúc của chính mình.
“Vẽ để giải quyết những rối ren của cuộc sống, để tìm thấy thanh thản cho tâm hồn,”cô nói.
Nhưng Jenny Đỗ và Đặng Phương Thanh lại là một, một phụ nữ hai dòng máu, da trắng, mắt nâu, mái tóc hung đỏ xõa ngang vai, với hai cuộc sống: thực tại và tâm linh.
Cô giải thích: “Hai thế giới luật pháp và nghệ thuật hoàn toàn khác nhau, có sự phân chia rõ ràng nhưng lại liên kết, hài hòa với nhau. Trong sinh hoạt hàng ngày, Jenny thấy được toàn cảnh xã hội trong đó có những con người, nhiều con người, nhiều cá tính, nhiều nét đặc trưng và đó là nguồn cảm hứng để bộc lộ qua nét vẽ, màu sắc và hình tượng trong tranh.”
Jenny thích vẽ về con người với hai mặt của cuộc sống.

Giải Tỏa Uẩn Ức
Nếu ban ngày trong giờ hành chánh, luật sư Jenny gặp những bất công, những mất mát, những đau thương mà chính mình phải bất lực vì bị luật lệ ràng buộc thì nghệ thuật đã giúp Phương Thanh giải tỏa nỗi uẩn ức đó. Không giới hạn. Không biên giới.
“Jenny cảm thấy được tự do trong sáng tác, để có thể truyền cảm những suy tư, bức xúc của mình lên tranh vẽ.”
Cô vẽ và vẽ rất nhiều, cũng vài mươi tác phẩm, nhưng trước hết là vẽ cho chính mình.
“Nếu lúc đầu Jenny vẽ như một lối sống, một phương tiện để giải khuây thì càng ngày Jenny càng thấy vẽ là một bức thiết để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Giá trị hơn.”
Cái ý nghĩa của cuộc sống đã làm cô ứa nước mắt khi thổ lộ rằng khách yêu tranh đã phải đấu giá để mua tranh của cô trong dịp triển lãm trước đây cho một hội đoàn thiện nguyện.
“Xem tranh, và đồng cảm với tác giả là điều quý rồi, nhưng khen tặng, khích lệ và mua tranh là điều còn quý gấp trăm lần cho nghệ sĩ sáng tác.”
Jenny bộc bạch rằng thắng một vụ kiện cho khách hàng với số tiền bồi thường rất lớn không bằng bán được bức tranh với giá rất nhỏ.

Ước Mơ Hiện Thực
Phương Thanh đam mê họa từ khi còn bé. Vẽ trên bất cứ mảnh giấy nào, vẽ cả trên vách tường và khi không có màu thì vẽ bằng bột đen lấy từ đáy nồi. Tất cả chỉ bằng cảm hứng.
“Mỗi khi đi ngang trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Sài Gòn, Jenny chỉ mơ ước một ngày nào đó được vào học,” cô kể lại, vẫn chưa thể quên cổng trường mỹ thuật tuy đã là quá khứ xa vắng.
Ước mơ đó phải đợi đến khi cô định cư tại Mỹ năm 1984, học xong bằng luật năm 1996 và nối tiếp bằng văn bằng cử nhân nghệ thuật của đại học San Jose State - hoàn tất tháng 5 năm nay.
“Học xong luật là điều làm cho Jenny cảm thấy tự hào đã đi qua được một chặng đường nhưng học xong ngành nghệ thuật lại làm cho tâm hồn Jenny thêm cởi mở và bay bổng hơn,” cô nói.
Tuy vậy, đối với họa sĩ Jenny Đỗ, 39 tuổi, chỉ khi nào thực hiện được phòng tranh cho người Việt thì “ước ao, hoài bão mới đạt được.”

Hạt Gạo Xanh
Vì thế phòng tranh GreenRice ra đời, từ nơi từng là văn phòng luật, để làm nơi nghệ sĩ góp mặt, tác giả giới thiệu tác phẩm và nếu được, để nghệ sĩ có chút vốn tiếp tục sáng tác, nuôi dưỡng cảm hứng.
Tại sao “Tiếng Gọi Của Núi.”
Cô kể: “Trong dịp đi thăm các buôn làng tại Hà Giang, cực bắc Việt Nam, Jenny cảm thấy rung động đến sững sờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên nguyên thủy và của người dân tộc miền núi.”
Những con người mộc mạc, đơn sơ và lam lũ, ngày đeo gùi, tối uống rượu cần, sống nhịp nhàng, hòa đồng với thiên nhiên cây cỏ cùng tiếng khèn trữ tình, tiếng còng vang động giữa rừng, núi, mây, gió và mưa phùn rét buốt đã trở thành chủ đề chính của cuộc triển lãm với Đinh Thị Tham Poong, Kai Hoàng, Vũ Cương và Jenny Đỗ.

                                                   Bài viết được đăng trên Viet Mercury 03/04/2005

No comments:

Post a Comment