Friday, August 8, 2014

Bênh Lầm



Đức Hà

Jane Fonda tại Hanoi - 1972
Vào tháng Bảy 1972 khi quân đội Mỹ đang từ từ giảm bớt sự tham chiến vào Việt Nam, diễn viên Jane Fonda đã liều lĩnh gây nên sự thù nghịch của không biết bao nhiêu cựu chiến binh Mỹ và gia đình kể cả binh sĩ của các thế hệ kế tiếp khi cô đặt chân xuống Hà Nội và khởi đầu chuyến viếng thăm hai tuần lễ. Jane Fonda, lúc đó 35 tuổi - theo bố trí của chính quyền Hà Nội, đã đến thăm ủy lạo tại nhiều làng mạc, bệnh viện, trường học và cơ sở nhà máy bị bom đạn Mỹ tàn phá. Tệ hại hơn cả, tài tử Fonda - hỗn danh "Jane Hanoi" đã đứng về phe Cộng Sản Bắc Việt để lên án và tố giác chính sách ngoại giao của Washington. Cuốn băng ghi giọng nói của cô được đài Hà Nội phát đi rộng rãi nhằm truyên truyền cho điều được gọi là chính nghĩa phải thuộc về chế độ Bắc Việt Nam. Như thế vẫn chưa đủ cô còn chụp cả bức hình ngồi lên khẩu đại bác phòng không cùng với các xạ thủ đội nón cối; cô cũng vỗ tay bắt nhịp đồng ca bản Dạy Mà Đi (các tù cải tạo chắc vẫn chưa quên bài này) Tất cả những việc làm thiếu cân nhắc, điên rồ hay bốc đồng này đã khiến sau này Jane Fonda phải vô cùng hối tiếc và nhiều lần công khai bày tỏ xin được tha thứ. Cho dù biện minh là bị gài vào kịch bản dọn sẵn của Hà Nội, vết nhơ năm 1972 mãi mãi không cách chi gột rửa. Cứ mỗi lần Jane Fonda xuất hiện trên TV hay phát biểu điều gì đó thì chuyện cũ lại được nhắc lại - kể cả chuyện nhổ nước miếng vào mặt.
Và đó là chuyện thời chiến tranh Việt Nam. Đến nay 2014 khi cuộc xung đột Israel - Palestine đang gây ra bao tang thương cho cả đôi bên, cũng lại xảy ra một vụ bênh lầm, cũng trong giới nghệ sĩ, và cũng đưa đến những chỉ trích nặng nề.

Israel - Gaza

Theo dõi tin tức chiến sự hàng ngày về hiện tình giữa Israel và Palestine thì người Việt không thể không liên tưởng đến những trận pháo kích, đặt bom, bắn rốc-kết, ném lựu đạn vào khu dân cư trong thành phố, kể cả đồn bót, cơ sở người Mỹ ... thời chiến tranh Việt Nam. Thương vong nhiều nhất vẫn là dân lành vô tội. Hiện nay cũng vậy, dân Palestine sống bên phía Dải Gaza hay bên Do Thái đều là nạn nhân, tuy phần nặng nghiêng về phía Palestine. Tính đến thời điểm này con số tử vong phía Palestine lên gần hai ngàn người, Israel thiệt hại 64 binh sĩ cùng ba thường dân (con số này tăng hàng ngày) và hàng chục ngàn người bị thương; nhưng nếu tính theo tỉ lệ thì cứ tám trên mười người chết là người dân thường Palestine chứ không phải du kích quân Hamas. Phóng viên mặt trận cho hay quân Hamas hay lợi dụng khu đông dân cư làm căn cứ tồn trữ bom đạn hay dùng nơi đó để đặt pháo hay hỏa tiễn bắn về phía Israel. Israel trả đũa và oanh kích ngay vào các tọa độ này nên nhà cửa dân lành bên Gaza bị tàn phá là vậy. Israel có hệ thống phòng chống pháo kích cực kỳ hiện đại nên hóa giải được hầu hết đạn từ Hamas dội sang. Nếu đứng về phía Palestine, người ta sẽ hết lòng bênh vực cho người dân xứ này, ngược lại cũng thế nếu hậu thuẫn Israel thì lời ủng hộ sẽ dành cho người Do Thái. Tuy nhiên nếu tổ chức Hamas được nhiều nước - trong đó có Mỹ, Anh, Canada, Nhật ... gọi là quân khủng bố thì Nga, Trung Quốc và vài nước Ả Rập không xem Hamas là khủng bố. Báo chí Việt Nam chỉ dùng cụm từ "nhóm vũ trang Hamas" hay "phong trào Hamas" để gọi tổ chức đấu tranh vũ trang đang cầm quyền tại Quốc Hội Palestine.

Penelope Cruz

Penelope Cruz, năm nay 40 tuổi, có thời gian dài cặp bồ với Tom Cruise nhưng hôn nhân không thành; năm 2010 Cruz lấy diễn viên Javier Bardem cũng người Tây Ban Nha. Theo bản tiểu sử, Penelope Cruz ngoài bận rộn tại phim trường và chăm nuôi hai con, Cruz dành thời gian còn lại cho công tác thiện nguyện. Cho đến ngày 29 tháng Bảy vừa qua, Penelope Cruz cùng chồng Bardem và nhiều nghệ sĩ khác đồng ký tên vào thư ngỏ viết bằng tiếng Tây Ban Nha, lên án Israel đang thực thi chiến dịch được thư mô tả là "diệt chủng" khi đánh bom liên tục vào Dải Gaza.
Những người ký tên vào thư ngỏ đòi hỏi Liên Hiệp Châu Âu có biện pháp tích cực nhằm ngăn chận chiến dịch quân sự leo thang từng ngày theo đó đa số người chết là thường dân và trẻ em. Thư nêu rõ: "Trong những ngày này Dải Gaza đang sống trong hãi sợ, bị phong tỏa và tấn công từ mặt đất, trên không và trên biển. Nhà cửa của người Palestine bị tàn phá, họ không có nước dùng, không điện và hoàn toàn không thể di chuyển tự do đến bệnh viện, trường học hay đồng ruộng trong khi cộng đồng quốc tế bất động."
Thư nêu rõ quân Israel là "Lực Lượng Chiếm Đóng" và yêu cầu ngưng bắn ngay tức thì và hối thúc phía Israel phải bãi bỏ lệnh phong tỏa Dải Gaza mà người Palestine đã phải chịu đựng cả hơn một thập niên nay.
Diễn viên Javier Bardem viết: "Với những cảnh tượng hãi hùng đang diễn ra ở Gaza, người ta không còn chỗ cho sự vô cảm hay đứng trung lập. Điều này không thể hiểu được và cũng không thể biện minh. Và thật là nhẫn tâm khi các nước phương Tây cho phép hành vi diệt chủng cứ tiếp diễn."

Phản Ứng

Thư ngỏ của các nghệ sĩ Tây Ban Nha và phát biểu của Javier Bardem đã gây ra hàng loạt phản ứng dữ dội.
Trung Tâm Simon Wiesenthal ở New York cho phổ biến thông báo nói rằng Israel không hề khai mào cuộc chiến này:
"Israel chỉ hành động đúng đắn như mọi nước trên hành tinh này - kể cả Tây Ban Nha, khi hàng trăm rốc-kết được bắn vào các trung tâm dân cư do một tổ chức khủng bố chủ trương mà cả thế giới đều biết."
Tài tử Jon Voight - cha ruột của Angelina Jolie, có lời chỉ trích gay gắt khi nói rằng họ đã xúc phạm danh dự của quốc gia dân chủ duy nhất và đầy thiện chí ở Trung Đông. Ông viết: "Họ phải tự thấy xấu hổ khi có cái nhìn thiển cận về tình hình ở Dải Gaza và đã khơi bày chủ nghĩa bài Do Thái trên toàn thế giới và rõ ràng họ đã không quan tâm đến những hệ lụy gây ra."
Khi được yêu cầu giải thích thêm, ông Voight cho biết người Do Thái vẫn luôn luôn mưu tìm mối giao hảo với láng giềng Ả Rập; họ trao trả bán đảo Sinai cho Ai Cập, Dải Gaza cho người Palestine. Ngược lại người Palestine đã bầu chọn nhóm Hamas, một tổ chức khủng bố, lên lãnh đạo và ngay sau đó mở cuộc bắn phá vào đất Israel. Và ông cũng không quên nhấn mạnh:
"Tôi muốn hỏi những vị đã ký tên vào thư ngỏ độc ác với nội dung lên án Israel là hãy xét lại chính mình: động cơ nào đã thúc đẩy quý vị. Quý vị có thể nào rút lại thái độ bài Do Thái đang diễn ra? Quý vị trở nên nổi tiếng và giàu sang vì sống trong một đất nước dân chủ là Hoa Kỳ. Hãy tự hỏi xem liệu quý vị có thể làm điều đó không nếu ở Iran, Syria, Lebanon ... Quý vị phải có trách nhiệm cao khi sử dụng sự tiếng tăm của mình vào việc làm hữu ích."

Ngay tức thì diễn viên Penelope Cruz đã phải đưa ra lời biện minh:
"Tôi không muốn bị hiểu lầm trong vấn đề quan trọng này. Tôi không phải là chuyên viên về tình hình hiện nay, và tôi biết rõ về tính phức tạp của sự việc. Ước muốn duy nhất của tôi khi ký tên vào thư ngỏ là hy vọng hòa bình sẽ đến với Israel và Gaza. Tôi mong mỏi rằng mọi bên có thể thỏa thuận được một cuộc ngưng bắn và rồi ra sẽ không còn những nạn nhân vô tội ở hai bên biên giới."
Chồng của Cruz cũng tìm cách giải thích quan điểm của mình. Ông viết:
"Khi ký tên cùng với nhiều nghệ sĩ Tây Ban Nha vào thư ngỏ, tôi chỉ muốn kêu gọi mọi quốc gia hãy can thiệp vào cuộc khủng hoảng ngày một gia tăng ở Israel- Gaza. Chữ ký của tôi chỉ nhằm mục đích mưu cầu hòa bình bởi vì sự tàn phá và hận thù chỉ tạo thêm thù hận và đổ nát."

Hãy thử tượng nếu những người ký tên vào thư ngỏ lại - theo gót Jane Hanoi, chụp hình ngồi lên một dàn phóng rốc-kết của Palestine để kêu gọi hòa bình thì không biết hệ quả sẽ như thế nào?

No comments:

Post a Comment