Saturday, July 28, 2012

NGỌC ĐAN THANH: Loài Hoa Nở Muộn


Đức Hà

Được lên truyền hình lầu đầu tiên lúc chỉ mới 14 tuổi, bé gái Lê Thị Huệ – trong vai cháu của bà nội (nghệ sĩ) Bạch Huệ đang đau nặng, đã khóc sướt mướt như chưa từng được khóc. Và vẫn tiếp tục khóc cho dù cảnh đã hết, cho dù được nhắc nhở vai diễn đã xong.
“Thật không hiểu điều gì đã khiến Thanh ‘hốt vai’ và diễn xuất tài tình như vậy,” Lê Thị Huệ tức nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh kể lại một kỷ niện vui từ hàng chục năm trước ở Sài Gòn.
Và suốt từ lần diễn nhớ đời đó cho đến nay ở tuổi mà phần lớn các nghệ sĩ – nếu không lui vào hậu trường hay nghỉ ngơi, thì người con gái xuất thân xóm Nguyễn Cư Trinh thủa nào lại ngày càng rộn ràng sinh hoạt chạy show, từ sân khấu cải lương kịch nghệ, ca nhạc truyền hình, chuyển âm lồng tiếng kể cả làm xướng ngôn viên truyền hình và emcee ... khiến cho chị được bạn bè ưu ái tặng cho danh hiệu “Loài Hoa Nở Muộn.”
Nhưng đó là hậu vận trong vài năm trở lại đây, thế còn tiền vận thì sao?

Có thể là cung mệnh trôi nổi bồng bềnh như con nước trôi, Ngọc Đan Thanh cũng trôi dạt từ đài phát thanh Sài Gòn, sang đài Quân Đội, đến ban Hoa Rừng của binh chủng Biệt Động Quân, chuyến đến Tiểu Đoàn 50 Chiến Tranh Chính Trị và liên tiếp các ban kịch Thép Súng, Bảo Ân, Phương Nam, Vũ Đức Duy, Trắng Đen, Vũ Huân, Bích Thuận, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, ban cải lương Phụng Hảo, Thanh Lịch và các đoàn cải lương Sông Bé, Thanh Minh Thanh Nga ... chưa kể là diễn viên trong vài bộ phim truyện màn ảnh lớn. Với một quá trình sinh hoạt nghệ thuật dày đặc tại quê nhà, không có gì lạ khi Ngọc Đan Thanh được mời cộng tác với trung tâm Người Đẹp Bình Dương ngay khi từ lúc ở đảo Pulau Bidong đến Nam Cali vào năm 1990. Và với giọng miền Nam ngọt ngào trầm ấm, chị cũng góp tiếng nói trong nhiều bộ phim Hồng Kông của Ánh Hằng, Việt Thảo. Tuy nhiên sau đó trong mười năm kế tiếp người nghệ sĩ đa tài đã buộc lòng phải trở lại với con người thật Lê Thị Huệ để đối đầu với cuộc sống đời thường không son phấn, ngoài đèn màu sân khấu, ngoài phòng thâu tiếng, trong đó chắc hẳn không thể không có những hỉ nộ ái ố hệt như sân khấu cổ nhạc hay phim bộ. Buồn nhiều hơn vui, đầy ắp phiền muộn, điều không thể thiếu với người con gái tuổi rồng – vẫn thường gắn liền với long đong lận đận, có thể vì vậy trong mười năm liền khán giả không được nghe và thấy Ngọc Đan Thanh trên bích chương quảng cáo. Nếu trung vận rơi đúng vào giai đoạn “số khổ” thì hậu vận của chị dường như đang tỏa sáng tuy hơi chút muộn màng. Không thể biết cuộc sống riêng tây, con tim nỗi lòng của chị vào lúc này có sáng rực hay không nhưng trong cuộc tiếp xúc ngắn ngủi cho bài viết này, người phỏng vấn không thể đoán cũng chẳng thể gặng hỏi cho ra lẽ. Nhiều lần nghe được chị khẳng định “Thanh không muốn được người thương hại.”
Phải chăng đó là cá tính mạnh của người mang tuổi Thìn?

Hành Trình Vào Đời

Cá tính Trời cho đó đã làm Ngọc Đan Thanh xuất thần ngay từ lần xuất hiện trước hàng trăm khán giả tại khán phòng Tổng Liên Đoàn Lao Công trên đường Lê Văn Duyệt năm nào khi chỉ mới học cổ nhạc với Thầy Năm Đờn được vài tháng. Lẽ dĩ nhiên tiết mục ngắn “Tống Tửu Đơn Hùng Tín” với Ngọc Đan Thanh trong vai nam Đơn Hùng Tín thành công ngoài sức tưởng tượng của chính thày dạy và thân phụ Năm Ngọc.
“Khi từ cánh gà bước ra sân khấu với ánh đèn chiếu sáng rực và khán giả ngồi đầy phía dưới thì Thanh - như lân thấy pháo, không còn e dè sợ hãi mà ngược lại cảm thấy thôi thúc và câu ca tiếng hát cứ thế mà tuông trào,” chị vui sướng nhắc lại một hình ảnh đẹp của quá khứ và nói thêm rằng có lẽ đó là nghiệp dĩ của người nghệ sĩ. Năm đó Ngọc Đan Thanh vừa tròn tuổi 13.
Thửa hưởng máu đam mê cổ nhạc của thân phụ - một người đờn ca tài tử, Ngọc Đan Thanh học rất nhanh, có khi thuộc bài nhanh hơn cả người cha cho dù lúc đó chưa biết gì. Nhưng ý muốn đi học cổ nhạc lại không được vì thành kiến xướng ca nghiêm khắc của ông nội. Phải mãi cho đến khi nội qua đời vào năm 1964, Ngọc Đan Thanh mới đến thọ giáo Thầy Năm Đờn. Rồi chỉ vài tháng sau chị xuất hiện trên kênh số 9 của truyền hình Sài Gòn trong chương trình Chiêu Hồi “Tiếng Chim Gọi Đàn.” Điểm đặc biệt mà cho đến nay chị vẫn không hiểu tại sao là khả năng tiếp thu bài học (cổ nhạc) rất nhanh và giữ nhịp thật chắc. Chị tâm sự rằng nhờ biết giữ nhịp đúng, các nhạc công có thể bay lượn tung tăng trên ngón đàn, thoải mái tận dụng và phô trương hết sở trường mà không bị kềm vô nốt nhạc:
“Nếu ngươi ca chẳng may bị rớt nhịp thì các tay đờn phải lắng nghe và chạy vớt theo người ca.”
Soạn giả Nguyễn Phương, hiện ở Montreal Canada viết về chất giọng của Ngọc Đan Thanh: “Giọng ca của Ngọc Đan Thanh được đánh giá là chuẩn mực khi ca các bản cổ nhạc dùng trong sân khấu cải lương, âm lượng khoẻ khoắn, lối ca đúng điệu, đúng bài bản, tuy chưa có bản sắc riêng như các diễn viên Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Mỹ Châu.”

Tuy nhiên cho đến khi bị bể tiếng, với giọng thổ sẵn có lại ngắn hơi, Ngọc Đan Thanh quyết định chuyển sang bộ môn kịch nói với các vai diễn hiền lành như cô gái đi du học, cô gái yêu lầm hoặc cô nha sĩ nhà quê ... cho dù chưa trải qua một trường lớp nào về kịch mà chỉ học lại từ bạn bè thân thiết chỉ dẫn.
Với một hành trình dài sinh hoạt sân khấu kịch nghệ, cũng như tự bản thân cố gắng trau chuốt câu ca tiếng hát cũng như học hỏi, Ngọc Đan Thanh nói rằng mọi sự đều do Tổ nghiệp:
“Thanh rất mang ơn Tổ nghiệp đã ban cho một hình tướng, một giọng nói để được khán giả yêu mến, Thanh cũng rất biết ơn khán thính giả khắp nơi đã dành cho Thanh sự ưu ái thân tình.” Nhưng những lời khích lệ từ khán giả lại làm cho người nghệ sĩ càng quyết tâm hơn, càng nỗ lực hơn nữa. Chị nói rằng rất cảm động mỗi khi được nghe một lời thăm hỏi, một câu chúc lành, một e-mail khen tặng nhưng đó lại là gánh nặng của trách nhiệm đè nặng lên vai. Chị tự hỏi nhiều lần là liệu mình còn đủ sức, đủ khả năng làm cho đẹp hơn, tốt hơn để đáp lại sự yêu thương đó không.
“Ở tuổi này, không biết còn đứng trên sân khấu được bao lâu nữa,” chị thổ lộ và thú nhận rằng từ tân nhạc, cải lương đến sân khấu kịch, chị chưa hài lòng trọn vẹn và cảm thấy mọi sự vẫn chưa hoàn chỉnh như ý muốn.
Ấy vậy mà khi được hỏi là nếu khởi đầu trở lại từ con số không thì Lê Thị Huệ chọn nghề gì, thì chưa kịp đặt xong câu hỏi đã nghe câu trả lời:
“Dứt khoát Thanh vẫn chọn nghề ca kịch để tiến thân và mua vui khán giả. Mê lắm thay.”
Chị nói có ai sung sướng hơn người nghệ sĩ và có ai đau khổ bằng người nghệ sĩ. Đời người đầy những tình cảnh éo le vui buồn khóc than thì sân khấu hư cấu cũng là một phiên bản của đời thường và tràn đầy những đau thương buồn tủi. Và với Ngọc Đan Thanh làm chuyển âm (còn gọi là lồng tiếng) là dịp để sống thực với hoàn cảnh trắc trở của nhân vật trong phim và cũng để chị trút bỏ những đớn đau u sầu của chính bản thân. Không thể biết người trong phim truyện và người chuyển âm ai buồn khổ hơn ai, ai đáng thương hơn ai.

Nhưng có phải đời lúc nào cũng bi đát tang thương đâu, hãy xem và nghe Chí Tâm hòa nhịp cùng với Ngọc Đan Thanh vào mỗi thứ Bảy trong tiết mục Tiếng Tơ Đồng, khi thế giới cổ nhạc mở rộng và dẫn giải đã mang lại bao niềm vui cho khán giả truyền hình khắp mọi nơi từ hơn hai năm nay.
Từ Pháp, Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Quang Hải hoan hỉ ngợi khen: “Anh học rất nhiều và cảm phục trí nhớ của em Chí Tâm và của em Ngọc Đan Thanh về số bài bản vắn mang nhiều hơi hướng nhạc Quảng và Tiều cùng nhiều bản vắn mà lúc nhỏ anh thường nghe khi đi coi hát cải lương mà không biết tên gì. Nhờ hai em mà anh khám phá rất nhiều bài quen thuộc mà chỉ nhớ nhạc chớ không biết tên.
Anh đã thu và để lên trang blog của anh ở http://vnsouvenir.multiply.com/  để giới thiệu cùng các bạn hữu gần xa biết việc làm hữu ích của hai em trong công cuộc bảo vệ vốn cổ âm nhạc ở hải ngoại. Một chương trình phong phú và rất ‘sư phạm’ có thể dùng để dạy ở trường học trong chương trình giáo dục âm nhạc.”

Nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh còn có một người anh ruột định cư ở Đức và hai vị thân sinh ở tuổi 90 vẫn sống khỏe tại căn nhà từ bấy lâu nay ở Xóm Sở Rác vùng Nguyễn Cư Trinh, Sài Gòn. Chị hiện sống với hai con trai tại Quận Cam, Nam Cali.

No comments:

Post a Comment