Đức Hà
Món súp vi cá, trị giá đến 80 đô/chén, được tô vẽ là có khả
năng tăng cường sinh dục, làm đẹp da, ngừa bệnh tim mạch, giảm cholesterol và
bồi dưỡng khí công … rồi ra sẽ bị tuyệt chủng vĩnh viễn trên đất California.
Dự luật AB376 quy đinh việc cấm mua bán, tàng trữ và thủ đắc
vi cá mập trên toàn cõi California – được cả hai viện thuộc Nghị Viện
California thông qua và Thống Đốc Brown ký ban hành, sẽ có hiệu lực vào ngày 1
tháng Giêng 2012. Vi cá mập đã có mặt tại California có thể được tiếp tục bán cho đến
ngày Một tháng Bảy 2013, sau đó thì chấm dứt. Lẽ dĩ nhiên khi luật được thi
hành thì món súp đắt tiền, thuờng thấy trong các đám liên hoan cưới hỏi sang
trọng quý phái, cũng bị loại khỏi tờ thực đơn nhà hàng.
California không dẫn đầu trong vấn đề bảo vệ cá mập, việc
cấm đoán này đã được áp dụng ở Hawaii, Guam, Washington, Oregon và quần đảo
Mariana trong Thái Bình Dương sau khi thống kê cho biết đàn cá mập (còn gọi là
cá nhám, cá xà) - vốn đã sinh sản chậm trong đại dương, đang ngày một giảm đến
mức báo động. Các nhà nghiên cứu ước đoán từ 1996 đến 2000 hàng năm có từ 26
đến 73 triệu con cá mập được mua bán trên thị trường – trung bình mỗi năm là 38
triệu con, nhiều gấp bốn lần con số do Liên Hiệp Quốc đưa ra, nhưng thấp hơn
rất đáng kể con số của các nhóm bảo vệ môi trường. Con số chính xác không thể
nào đạt được vì chẳng bao giờ được báo cáo đầy đủ và việc quản lý việc đánh bắt
cá mập ngoài biển khơi rất lỏng lẻo.
Tuy nhiên việc đưa dự thảo AB376 ra bàn luận tại hai viện ở Sacramento trong thời gian
gần đây không phải không có tranh cãi.
Kỳ Thị và Tàn Ác
Dự luật được Dân Biểu Tiểu Bang Paul Fong D-Cupertino và
Nghị Sĩ Tiểu Bang Carol Liu D-Pasadena đệ trình đã bị sự phản đối của Nghị Sĩ
Ted Lieu D-Torrance và Nghị Sĩ Leland Yee D-San Francisco. Ông Lieu cho rằng
luật chỉ cấm vi cá trong khi vẫn để ngỏ việc tiêu thụ da và thịt cá mập, và
theo ông, đó là một sự kỳ thị vì chỉ nhắm vào nhóm người thuộc chung một nền
văn hóa. Ông Yee biện minh rằng mức tiêu thụ vi cá ở Mỹ - California đứng hàng đầu với 85%, chỉ chiếm
tỉ lệ rất nhỏ so với toàn thế giới. Ông nói thêm rằng “Luật chỉ cấm vi cá mà
không đề cập đến cách thức thu hoạch vi cá mập – điều đã được luật liên bang
cấm chỉ. Thêm vào đó luật còn đưa ra thế giới tín hiệu không được đẹp là việc
kỳ thị người Mỹ gốc Hoa được chấp nhận tại quốc gai đa chủng này.” Vẫn theo ông
Yee, ăn súp vi cá nằm sâu trong văn hóa của người gốc Hoa và cần được tôn trọng
như di sản văn hóa của các sắc dân khác. Trong cùng lúc Nghị Sĩ Christine Kehoe
D-San Diego cho rằng việc cấm đoán ở California
rồi ra sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới. Bà cho hay chính thị trường California đã làm cho
người ta đánh bắt cá mập chặt lấy vi nhiều hơn, tàn ác hơn. Tin của AP tường
thuật rằng trong buổi tranh luận tại Sacramento,
thương gia Michael Kwong, giám đốc điều hành của công ty xuất nhập khẩu hải sản
Hoo Woo Co. - hoạt động từ bốn thập niên qua ở San Francisco, nhấn mạnh rằng
việc đánh bắt và thu hoạch vi cá là vấn đề toàn cầu nên được thảo luận tại diễn
đàn Liên Hiệp Quốc hơn là trong phạm vi tiểu bang. Ông Kwong và nhiều người
khác đã hô to “No on 376” viện cớ sẽ bị thiệt hại về mặt thu nhập và California sẽ có thêm
người thất nghiệp và mất một khoản thuế đáng kể.
Thịt cá mập không có bao nhiêu giá trị thị trường – một phần
vì cá mập hay ăn thịt người, nên ngư phủ đánh bắt cá mập chỉ chặt lấy vi trên
lưng tức phần nổi trên mặt nước của cá, ở đuôi và hai bên ức và ném phần còn
lại trở xuống biển. Rồi ra cá sẽ chìm và chết ngộp hoặc bị cá khác ăn thịt vì
không thể di chuyển bình thường được. Vì vi cá là món hàng tiêu thụ mang lại
nhiều lợi nhuận – trị giá đến 1.2 tỉ đô doanh thu, nên người ta tin rằng có
liên hệ đến các tổ chức tội phạm.
Theo Wikipedia, vi cá có bổ dưỡng thật sự hay không là điều
không được chứng minh rõ ràng chỉ biết thành phần vitamin trong súp vi cá không
bằng chén súp rau, và hầu như không có vitamin A, nhưng có chất sắt, zinc,
riboflavin và phosphorous. Khoa học không có bằng chứng nói rằng vi cá mập chữa
được ung thư, sụn cũng vậy. Ngược lại tiêu thụ nhiều món súp này còn có khả
năng gây vô sinh nơi phái nam vì lượng thủy ngân cao. Cơ quan FDA khuyến cáo
phụ nữ có thai và con trẻ nên tránh ăn vi cá mập.
Súp vi cá thủa xưa chỉ để phục vụ cung đình từ thời nhà Minh
bên Trung Hoa. Nhưng từ thế kỷ 18 sang đến 19 khi thu nhập của người Hoa ngày
một khá, thì món súp hiếm quý, khoái khẩu và cần nhiều thời gian để chuẩn bị
trở nên phổ biến và là món ăn không thể thiếu trong bàn tiệc của đại gia thiết
đãi thượng khách. Ngay cả bánh Trung Thu, người ta cũng không quên cho thêm vi
cá bên cạnh các thành phần khác. Thật ra vi cá chẳng có vị ngọt mặn hay bùi mà
chỉ dai dai như cao-su và … nhạt nhẽo. Theo các đầu bếp, súp vi cá ngon và giá
trị ở nguyên chén súp gồm nhiều thứ và vì đắt tiền nên được xếp vào hàng thực
phẩm cao cấp. Một clip video trên YouTube được thực hiện tại Việt Nam
còn cho rằng súp vi cá là món ăn dành cho vợ chồng hiếm muộn. Súp vi cá được
phục vụ trong hầu hết các nhà hàng Tàu trên khắp thế giới, nhưng Hồng Kông được
xếp hàng cao nhất với mức tăng trưởng hàng năm lên 5%. Trong thời gian gần đây
Hồng Kông phải nhường hạng cho lục địa khi người dân ăn nên làm ra có nhu cầu
tiêu thụ cao về các thực phẩm thực phẩm thượng hạng. Chín mươi lăm phần trăm vi
cá được tiêu thụ ở lục địa.
Yao Ming Nhập Cuộc
Cầu thủ bóng rổ lừng danh Yao Ming cũng mang thông điệp từ
Mỹ về quê hương ông, nơi món cao lương mỹ vị này vẫn được thực khách ưa chuộng.
Bản tin từ Thượng Hải cho hay Yao Ming cùng nhà tài phiệt Anh Richard Branson
cùng lên tiếng kêu gọi bỏ món ăn truyền thống này trong buổi liên hoan với 30
doanh nhân giàu nhất Trung Quốc hôm 22 vừa qua.
“Khi còn nhu cầu, thì còn cung và giết hại đàn cá mập còn
tiếp diễn,” ông Ming, cao đến 7 foot 6 từng đấu trong đội Houston Rockets, nay
đã nghỉ hưu cho biết. Ông Ming có sanh quán tại Thượng Hải nói rằng ông sẽ dùng
thời gian nghỉ hưu để vận động chấm dứt nạn giết hại hàng tuần 1.5 triệu con cá
mập. Trong cùng lúc ông Branson còn góp ý thêm: “Con người không chỉ cần bảo vệ
đàn cá mập mà cả cọp và các loài thú khác có nguy cơ bị tuyệt chủng.” Từ lâu,
hãng hàng không Virgin Airlines của ông Branson không nhận chuyển vận vi cá và
ông đang kêu gọi tất cả các ngành chuyển vận đều cùng nhau góp sức trong mục
tiêu này.
Ngoài một số nơi ở Mỹ có luật cấm mua bán vi cá, hiện có 20
quốc gia cũng cùng một chủ trương này. Tuy vậy luật mới ở Califonia sẽ không
ngăn cấm người đi câu tài tử bắt được cá mập vẫn có thể xẻ thịt ăn hay phơi khô
nhồi bông làm vật trang trí. Như vậy với món súp vi cá mập, sushi thịt cá voi, chính
quyền Hoa Kỳ đã trực tiếp can thiệp vào thực đơn nhà hàng và đồng thời cũng đặt
món patê gan ngỗng (foie gras) của Pháp ra ngoài vòng pháp luật.
No comments:
Post a Comment